Kinh tế TPHCM đã tăng trưởng dương sau thời gian dài giảm sâu

Từ mức giảm sâu ở quí 3, 4 năm ngoái lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay kinh tế TPHCM đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương.

Thông tin này được ghi nhận tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội quí 1 và triển khai nhiệm vụ quí 2 năm 2022 của UBND TPHCM vào chiều ngày 5-4.

Kinh tế TPHCM đang phục hồi sau thời gian sụt giảm mạnh. Ảnh minh họa: TL

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, cho biết hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt tỷ lệ cao, khu công nghệ cao đạt 100%, ngoài khu công nghiệp đạt trên 90%. Người lao động trở lại thành phố làm việc sau Tết đạt tỷ lệ đáng kể, trong đó các doanh nghiệp lớn đón 100% công nhân trở lại làm việc.

Các lĩnh vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá, nhất là từ tháng 3. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quí 1-2022 ước tăng 1,88% so với cùng kỳ. Như vậy, từ mức giảm sâu ở quí 3 và quí 4-2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay kinh tế TPHCM đã đạt mức tăng trưởng dương. Tín hiệu này cho thấy thành phố đang phục hồi nhanh, sớm hơn kỳ vọng, theo bà Mai.

Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 121.037 tỉ đồng, tăng 9,41% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11,9 tỉ đô la Mỹ. So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố ước tăng 1,04%.

Ngành du lịch của TPHCM cũng đang bước đầu phục hồi. Công tác tổ chức các sự kiện du lịch kết nối với văn hóa tạo được điểm nhấn, gia tăng sức hấp dẫn của điểm đến TPHCM đối với du khách trong và ngoài nước.

Hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM dần ồn định và tăng trưởng trở lại sau khi bị ảnh hưởng dịch bệnh. Ảnh minh họa: TL

Mặc dù vậy, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, TPHCM vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, so với cùng kỳ, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,51%, tăng gần 2 lần (năm 2021 chỉ tăng 0,84%).

Trong khi đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm ước giảm 4,8% so cùng kỳ, từ đó cho thấy sức mua của người tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) thu hút trong quí 1 ước giảm hơn 40% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, “một số ngành công nghiệp chủ lực của TPHCM còn chậm phục hồi, trong đó ngành sản xuất hàng điện tử ước giảm 12,92% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 24,7%); tổng doanh thu ngành du lịch ước giảm 11,8% so với cùng kỳ”, bà Mai thông tin.

Việc chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng thấp và giảm mạnh (đạt 9,4% dự toán pháp lệnh năm và giảm 33,8% so với cùng kỳ), ảnh hưởng đến động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế của thành phố. Dịch bệnh kéo dài và chưa kết thúc, tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người dân và hoạt động doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, hiện TPHCM vẫn còn đang đối diện các thách thức tồn tại. Theo đó, dịch Covid-19 do biến chủng Omicron còn diễn biến phức tạp, yêu cầu cần có giám sát kỹ và có chủ trương, biện pháp phù hợp. Xung đột vũ trang Nga – Ukraina kéo theo một số yếu tố bất lợi về tăng giá xăng dầu dẫn đến nguy cơ tăng giá các mặt hàng, gây khó khăn cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội TPHCM.

Ngoài ra, từ đầu năm 2022 nhiều dự báo giá xăng dầu tăng cao và thực tế diễn ra còn cao hơn cả dự báo. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng; đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp gia tăng…

Trước một số khó khăn đang tồn tại, bà Mai cho biết nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ và kịp thời, giá cả được kiểm soát tốt cùng với nguồn cung hàng hóa bình ổn được cung ứng đầy đủ ra thị trường.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-te-tphcm-da-tang-truong-duong-sau-thoi-gian-dai-giam-sau/