Kim chỉ nam cho kinh tế Việt Nam bứt phá trong năm 2022
Ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các giải pháp hỗ trợ, tạo tiền đề cho nền kinh tế Việt Nam hồi phục và đi vào 'đường ray' tăng trưởng. Giới chuyên gia đánh giá, các gói hỗ trợ mới giống như kim chỉ nam cho kinh tế Việt Nam bứt phá trong năm mới.
Năm 2021 vừa qua, kinh tế Việt Nam đã phải hứng chịu rất nhiều thương tổn, do tác động của đại dịch COVID-19. Hàng nghìn doanh nghiệp đã rơi vào tình cảnh phá sản, hàng triệu lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, phải trông chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ để chờ ngày dịch bệnh đi qua.
Năm 2021, cũng là năm tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam thấp kỷ lục, chỉ đạt 2,58%, con số này còn thấp hơn cả năm 2020, thời điểm lần đầu tiên đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các giải pháp hỗ trợ, tạo tiền đề cho nền kinh tế Việt Nam hồi phục và đi vào “đường ray” tăng trưởng. Giới chuyên gia đánh giá, các gói hỗ trợ mới giống như kim chỉ nam cho kinh tế Việt Nam bứt phá trong năm mới.
Gói hỗ trợ kỷ lục, chiếm 5% GDP
Đầu tháng 1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ cho chương trình phục hồi phát triển kinh tế, với quy mô lên tới 350.000 tỷ đồng, tương đương 5% GDP của Việt Nam. Có thể nói, đây là gói hỗ trợ kinh tế - xã hội chưa từng có trong lịch sử, thể hiện quyết tâm “đánh bại” đại dịch COVID-19.
Theo nhận định của giới chuyên gia, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng rất lớn, nếu được triển khai hiệu quả, không có độ trễ, gói hỗ trợ này sẽ tạo ra xung lực cho kinh tế Việt Nam bứt tốc.
Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung đầu năm nay đã thông thương trở lại. Ảnh: Ngọc Triển.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính nhận xét: Trong 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành không ít các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, phải thừa nhận thẳng thắn, hiệu quả của các gói hỗ trợ trước đó chưa cao.
Một phần là quy mô của các gói hỗ trợ đó chưa đủ lớn để kích thích kinh tế tăng trưởng. Đặc biệt, công tác thực hiện chính sách còn nhiều bất cập, phát sinh ra nhiều thủ tục rườm rà, quá trình giải ngân còn chậm.
Nếu so với các gói hỗ trợ trước đó, trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng lần này, Quốc hội chấp nhận tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trên ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp có thể vượt mốc 25%, theo như giải trình sẽ lên đến 27,2% trong 2 năm 2022 - 2023.
“Đây là lần đầu tiên Chính phủ chấp nhận mất cân đối vĩ mô, mất bền vững của nợ công. Nên, rõ ràng đây là quyết tâm rất lớn của Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp hồi phục kinh tế và tăng trưởng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Nghị quyết 01 và mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6% - 6,5%
Cũng trong tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Thông qua Nghị quyết 01, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo tinh thần chủ đề điều hành “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.
Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 01, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2022 đạt 6 - 6,5%, tức là cao gấp gần 3 lần so với năm 2021. GDP bình quân cũng đặt mục tiêu đạt 3.900 USD.
Thông qua Nghị quyết 01, có thể thấy rằng Chính phủ đã “chủ động thích ứng” khi đưa ra giải pháp phát triển kinh tế, sống chung với đại dịch COVID-19. Điều này có nghĩa rằng, cho dù phải đối mặt với các biến chủng mới của COVID-19, kinh tế Việt Nam sẽ không “đóng - mở”, “bật - tắt” như trước.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư chia sẻ: Mặc dù đã xác định phương hướng phát triển kinh tế, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tại Nghị quyết 01 đề ra, các Bộ, ngành phải cùng đồng lòng thực hiện 5 nhóm giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, tiếp tục vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung thực hiện 02 Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ ngay các điểm nghẽn trong phòng, chống dịch bệnh, các quy định cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ba là, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường huy động nguồn lực, thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội, nhất là đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Xúc tiến, thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc.
Bốn là, duy trì, tạo điều kiện thích ứng và phục hồi, phát triển các ngành nghề du lịch, dịch vụ. Có giải pháp hỗ trợ khu vực dịch vụ phù hợp với từng bước mở cửa và phục hồi nền kinh tế.
Cuối cùng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, làm cơ sở và dư địa cho việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.
Nghị quyết 02 và chiến lược dài hơi trong việc phát triển kinh tế
Sau Nghị quyết 01, vào cuối tháng 1/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 02, về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
So với Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 đưa ra những mục tiêu dài hơn hơn, trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh 4.0 theo bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Hoặc, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 40 nước đứng đầu về phát triển bền vững theo tiêu chí của Liên Hợp quốc (UN) và về năng lực đổi mới sáng tạo theo bảng xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới; cũng như thuộc nhóm 60 nước đứng đầu về Chính phủ điện tử và về quyền tài sản theo các tiêu chí của Liên minh quyền tài sản.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 02 đặt mục tiêu Việt Nam sẽ tăng thêm ít nhất 4 bậc về hiệu quả logistics theo đánh giá của Ngân hàng thế giới và tăng ít nhất 3 bậc về an toàn, an ninh mạng; đồng thời, sẽ thuộc nhóm 50 nước đứng đầu về năng lực cạnh tranh du lịch.
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM cho biết: Khi nghiên cứu về Nghị quyết 02 phân tích: Nghị quyết 02 còn thay đổi nhiều nội dung khác rất tích cực, như nội dung quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã không còn trồng chéo như trước. Nghị quyết cũng mở rộng thị trường, sửa đổi lại nhiều khoản thuế, phí,...
“Đích thân Thủ tướng đứng ra chủ trì cải cách thuế, hoặc yêu cầu các bộ ngành phải khẩn trương đưa ra một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều luật để cởi trói các điểm nghẽn về pháp luật, tạo ra năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo quan điểm của tôi, với sự vào cuộc mạnh tay của Chính phủ, các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách không đổi được nhiều, thì cũng phải thay đổi được ít”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng có quan điểm rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động và hấp dẫn trong khu vực châu Á và trên thế giới.
Vì vậy, nếu cứ để bình thường, không có các giải pháp hỗ trợ can thiệp, thì kinh tế Việt Nam vẫn sẽ hồi phục trở lại như chưa từng xuất hiện dịch bệnh. Thế nhưng, nếu có thêm giải pháp hỗ trợ, thì quá trình phục hồi sẽ diễn ra nhanh hơn và cao hơn.
Bàn về giải pháp, TS. Nguyễn Đức Kiên thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp rất cụ thể, chi tiết. Việc còn lại, chính là các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ.
“Tình hình phía trước còn rất bất định, rất khó có thể dự báo được bức tranh sang năm thế nào. Dù vậy, từ những kinh nghiệm xương máu sau 2 năm chống dịch, tôi mong rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ”, TS. Kiên nói.