Kiến nghị giảm giờ làm trong khu vực tư nhân xuống 44 giờ/tuần

Công đoàn doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm giờ làm trong tuần của lao động khu vực tư nhân từ 48 giờ xuống 44 giờ, tiến tới 40 giờ.

Tại diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 26/5, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn Công ty Changshin Việt Nam ở Đồng Nai, kiến nghị giảm thời gian làm việc trong tuần của lao động trong doanh nghiệp (khu vực tư nhân) cho phù hợp và theo kịp các nước cùng khu vực, tạo điều kiện cho lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe, chăm lo cho gia đình.

Theo ông Tú, muốn thúc đẩy năng suất lao động thì doanh nghiệp cần đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, thay thế thủ công lạc hậu chứ không phải chỉ phụ thuộc giờ làm. Chính phủ cần hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện giảm thuế các mặt hàng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, quy trình nhập khẩu đơn giản và linh hoạt.

Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty Changshin Việt Nam, chia sẻ về vai trò của công đoàn trong việc thúc đẩy tăng năng suất lao động. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty Changshin Việt Nam, chia sẻ về vai trò của công đoàn trong việc thúc đẩy tăng năng suất lao động. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bộ luật Lao động quy định người làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 tiếng mỗi tuần. Doanh nghiệp có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho lao động biết.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Quy định này duy trì sau nhiều lần sửa luật, được cân nhắc trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp, phải kéo dài thời gian làm việc.

Trong khi đó, giờ làm khu vực nhà nước 40 tiếng mỗi tuần, 8 tiếng mỗi ngày được điều chỉnh bởi Quyết định 188/1999 của Thủ tướng. Quy định nhằm nâng cao hiệu suất làm việc của công chức, viên chức, xử lý công việc hành chính gói gọn trong năm ngày. Việc này cũng nhằm tiết kiệm chi phí điện, nước và nhiều khoản khác do ngân sách chi trả.

Đề xuất xây dựng lộ trình giảm giờ làm việc trong tuần của lao động khối doanh nghiệp từng được nêu nhiều lần trong một năm qua. Tại Đại hội Công đoàn tháng 12/2023, công đoàn các cấp nói lộ trình giảm giờ làm việc tiến tới 40 giờ mỗi tuần là mong mỏi của nhiều công nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo giao lưu với đại biểu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo giao lưu với đại biểu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Trên nghị trường Quốc hội cuối tháng 10/2023, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (chuyên trách Ủy ban Xã hội) cũng nêu ý kiến tương tự. Ông dẫn sắc lệnh năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định thời hạn làm việc không quá 48 giờ mỗi tuần và làm thêm mỗi năm không quá 100 giờ.

Thống kê cho thấy lao động Việt Nam năm 2011 làm ra 70,3 triệu đồng, đến năm 2021 đạt gần 172 triệu đồng. Sau 10 năm, năng suất lao động tăng 2,5 lần, song vẫn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực.

Kết quả thống kê của Cục An toàn lao động năm 2019 Việt Nam có số giờ làm việc thuộc nhóm cao ở Đông Nam Á, trong khi ngày nghỉ lễ thuộc nhóm thấp nhất. Cụ thể, tính riêng thời gian làm việc trong năm của người Việt khoảng 2.320 giờ, thấp hơn Philippines, Malaysia, Thái Lan và cao hơn Singapore, Indonesia, Lào và Campuchia.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất, hiến kế của đoàn viên, người lao động; tập trung rà soát, tiếp thu tối đa để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện.

Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu và có giải pháp cụ thể đối với những ý kiến liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để triển khai trong thời gian tới; tạo môi trường sinh thái tốt nhất cho người lao động phát huy tính sáng tạo, đổi mới, yêu nước, yêu nghề.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khoa học công nghệ phát triển bùng nổ, thay đổi hàng ngày, nâng cao năng suất lao động trở thành vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc.

Chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng năng suất lao động.

Bên cạnh đó cần tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chúng ta cũng cần bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, hydrogen; bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/kien-nghi-giam-gio-lam-trong-khu-vuc-tu-nhan-xuong-44-gio-tuan-ar873380.html