Khủng hoảng năng lượng: 'Buông tay' khí đốt Nga, châu Âu vẫn 'nhắm mắt làm ngơ' với LNG

Châu Âu đang tiến gần hơn đến việc 'thoát ly' khỏi sự phụ thuộc năng lượng của Nga. Tuy nhiên, khu vực này khó yên ổn nếu thiếu một loại khí đốt tự nhiên quan trọng đang đóng vai trò thay thế năng lượng Moscow.

Khủng hoảng năng lượng: Đức rốt ráo xây dựng trạm tiếp nhận LNG. (Nguồn: Getty Images)

Khủng hoảng năng lượng: Đức rốt ráo xây dựng trạm tiếp nhận LNG. (Nguồn: Getty Images)

Châu Âu tăng tốc mua LNG của Nga

Xuất khẩu than, dầu và khí đốt tự nhiên của Nga được vận chuyển qua các đường ống sang châu Âu đã giảm mạnh kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga - một dạng khí lỏng, ướp lạnh và có thể được vận chuyển qua các tàu chở dầu trên biển - sang Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên.

Theo công ty tư vấn Rystad Energy, nhập khẩu LNG của Nga vào châu Âu và Vương quốc Anh đã tăng gần 20% từ tháng 3 đến tháng 10 năm nay so với cùng kỳ năm 2021.

Nhập khẩu LNG của Nga tại châu Âu bắt đầu tăng tốc vào mùa Thu năm ngoái, do các quốc gia tại khu vực này phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt.

Dữ liệu của Rystad cho thấy, tính đến tháng 9, nhập khẩu từ Nga đã tăng gấp đôi, lên 1,2 triệu tấn, với giá trị khoảng từ 1-2 tỷ USD.

"EU cần LNG. Vì vậy, họ có thể 'nhắm mắt làm ngơ' với LNG của Nga, trong khi Moscow vẫn tiếp tục hưởng lợi nhuận từ mặt hàng này", bà Anne-Sophie Corbeau, học giả nghiên cứu toàn cầu tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu (CGEP).

Năm nay, châu Âu cũng đang chạy đua để bổ sung khí đốt vào kho dự trữ trước mùa Đông, trong bối cảnh Moscow mạnh tay cắt giảm dòng khí đốt đến khu vực, bao gồm việc ngừng tất cả các chuyến hàng qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1). Trong khi đó, nguồn cung cấp LNG trên toàn cầu, bao gồm cả khí này từ Nga, đã chứng tỏ một sự thay thế quan trọng.

Phần lớn lượng LNG mà châu Âu nhập khẩu của Nga đến từ Novatek - nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của đất nước này, sau Gazprom. Novatek điều hành dự án Yamal LNG ở Tây Bắc Bắc Cực.

Nga, nhà sản xuất LNG lớn thứ tư thế giới, hiện chiếm khoảng 15% tổng nguồn cung của châu Âu.

Nhà phân tích cao cấp về khí đốt Kaushal Ramesh tại Rystad cho rằng, nguồn cung LNG này sẽ giữ nguyên trong năm tới. “Châu Âu muốn duy trì khối lượng xuất khẩu LNG từ Nga càng lâu càng tốt", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng như với đường ống dẫn khí đốt của Nga, nhu cầu sử dụng LNG của châu Âu có thể khiến nước này dễ bị Moscow cắt giảm nguồn cung đột ngột. Việc gia tăng nhập khẩu cũng đi ngược với quyết tâm cuối cùng của EU là cắt đứt hoàn toàn năng lượng Nga nhằm tác động đến "túi tiền" của nước này.

Các biện pháp trừng phạt của châu Âu vẫn chưa nhắm vào LNG bởi mặt hàng này ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của một số quốc gia, đơn cử như Đức - nền kinh tế lớn nhất của khối.

Bà Anne-Sophie Corbeau, học giả nghiên cứu toàn cầu tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu (CGEP) nhấn mạnh: "EU cần LNG. Vì vậy, họ có thể 'nhắm mắt làm ngơ' với LNG của Nga, trong khi Moscow vẫn tiếp tục hưởng lợi nhuận từ mặt hàng này".

Vẫn dựa vào Nga

Nhà phân tích Ramesh cho biết, hầu hết LNG nhập khẩu từ Nga trong tháng 9 đến Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ.

Theo dữ liệu của Rystad, cho đến nay, nhập khẩu LNG toàn cầu vào châu Âu đã tăng 47%, đạt 86 triệu tấn, với số lượng lớn được vận chuyển từ Mỹ và Qatar.

Các nỗ lực "thoát ly" khí đốt Nga của các nước EU cũng gặt hái được nhiều thành công.

Dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí châu Âu cho thấy, mức dự trữ tại các kho khí đốt dưới lòng đất của khối đạt 95% dung lượng. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình 88% của khối trong 5 năm qua.

Trên thực tế, trong những tuần gần đây, các kho dự trữ đã đầy đến mức hàng chục con tàu chở LNG đã phải chờ ngoài khơi các cảng của châu Âu bởi không thể tìm được chỗ để dỡ hàng.

Nhưng một thách thức lớn hơn có thể xuất hiện vào mùa Xuân khi châu Âu tiếp tục cố gắng bơm khí đốt vào các kho dự trữ, trong bối cảnh nguồn cung từ Nga sụt giảm mạnh.

Theo công ty nghiên cứu Wood Mackenzie, dòng chảy khí đốt đến châu Âu chỉ bằng 20% mức trước xung đột Nga-Ukraine.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) viết trong một báo cáo công bố tuần trước rằng, khối 27 thành viên có thể đối mặt với sự thiếu hụt 30 tỷ m³ khí đốt vào mùa Hè tới nếu Nga ngừng tất cả các dòng chảy khí qua đường ống còn lại và nhu cầu LNG của Trung Quốc tăng lên.

Cơ quan này cho hay, con số đó sẽ lên tới gần một nửa lượng khí đốt cần thiết để lấp đầy các kho dự trữ trước mùa Đông năm 2023, với mức tương đương năm nay.

Ông Felix Booth, người đứng đầu bộ phận LNG tại công ty dữ liệu Vortexa cho rằng, khu vực này cần nhiều LNG nhất có thể có thể để bù đắp cho sự thiếu hụt.

Ông nói: “Tôi kỳ vọng rằng, LNG của Nga sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc lấp đầy kho lưu trữ của châu Âu vào mùa Đông năm 2023. Điều đó sẽ đặt châu lục này vào một vị trí dễ bị tổn thương nếu Nga quyết định 'vũ khí hóa' hoạt động xuất khẩu LNG".

Chuyên gia Corbeau tại CGEP chỉ ra rằng, Moscow có thể quyết định việc gây áp lực buộc Novatek yêu cầu thanh toán LNG bằng đồng Ruble - như Tập đoàn năng lượng Gazprom đã làm với khí đốt chảy qua đường ống đến châu Âu - hoặc bán LNG cho một số quốc gia với giá thấp hơn để đạt được lợi ích chính trị.

Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận thấy, châu Âu có thể đối phó với viễn cảnh đó bằng cách tăng cường nhập khẩu LNG từ Qatar.

Không rõ Nga kiếm được bao nhiêu doanh thu từ việc bán LNG ở châu Âu, nhưng gần như chắc chắn rằng, con số này ít hơn nhiều so với số tiền mà nước này thường thu được từ việc xuất khẩu khí đốt qua đường ống.

Sự gia tăng nhập khẩu LNG của châu Âu từ Nga - mà Wood Mackenzie dự báo sẽ đạt 15 tỷ m³ cho cả năm - không thể bù đắp cho việc nhập khẩu khí đốt qua đường ống, dự kiến sẽ giảm 100 tỷ m³.

Vì vậy, Nhà phân tích Ramesh nhấn mạnh: "Sẽ mất rất nhiều thời gian trước khi châu Âu nghĩ đến việc trừng phạt hoàn toàn khí đốt hoặc LNG từ Nga".

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nang-luong-buong-tay-khi-dot-nga-chau-au-van-nham-mat-lam-ngo-voi-lng-205353.html