Không thể biện minh cho những ẩn họa nguy hiểm

Bắt đầu vào thời điểm thu hoạch lúa, tình trạng sử dụng máy tuốt lúa rồi phơi thóc, rơm rạ trên các tuyến đường liên thôn, xã và cả QL phổ biến ở rất nhiều địa phương trong cả nước. Có những vụ TNGT, cháy xe đã xảy ra từ những hành vi vi phạm pháp luật này.

Trên đường về quê Hà Nam, anh Nguyễn Xuân Thành gặp cảnh người dân phơi thóc kín gần một nửa QL, điều này rất nguy hiểm cho người phơi thóc lẫn người tham gia giao thông. Anh Thành đã đăng cảnh báo này lên một diễn đàn giao thông với mục đích cảnh báo nhưng đáp lại là rất nhiều lời cay nghiệt cho anh là ích kỉ, sống không có hậu, nông dân cả năm mới có vài ngày thu hoạch, phơi phóng như thế thì có làm sao…

Nhưng với anh Phạm Anh Hùng, lái xe tải thì thực sự đây là nỗi ám ảnh. Chỉ một cung đường từ Thanh Oai, Hà Nội tới Phủ Lý, Hà Nam anh đã gặp trên chục điểm người dân phơi thóc ra mặt đường. Có điểm, người phơi thóc lấy đá, gạch chặn không để cho các xe đi vào. Có điểm, người phơi còn dùng cả những thanh gỗ với những cây đinh nhọn hoắt nhô lên cao để làm ranh giới giữa thóc của nhà với phần còn lại của đường đi.

Anh Nguyễn Toàn Thắng, một lái xe taxi hãng Sao Thủ Đô tâm sự, bản thân xuất thân từ con nhà nông. Ngày còn ở nhà làm nông nghiệp anh coi chuyện phơi thóc, rơm rạ ra đường là chuyện bình thường. Giờ chạy xe anh mới hiểu được những nguy hiểm liên quan đến những “ruộng lúa trên mặt đường này”. Chỉ một đoạn đường nhựa thuộc địa bàn Đồng Kỵ, Bắc Ninh, chưa đầy 1km đã chứng kiến có tới gần 10 điểm phơi thóc, của gần 10 hộ gia đình. Kết quả, lòng đường bị thu hẹp, người và xe chiều này buộc phải đi lấn làn vào chiều ngược lại. Hàng trăm lượt xe, tương đương hàng trăm gia đình khác đã phải đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông từ hành vi lấn chiếm lòng đường của các hộ dân nói trên.

Xe ô tô bị cháy gần chân cầu Tịnh Xuyên, huyện Vũ Thư, Thái Bình khi đang lưu thông trên đường. Nguyên nhân xác định ban đầu do gầm xe bị quấn vào rơm phơi trên mặt đường. Ảnh Tư Liệu

Con đường Cienco 5 nối huyện Thanh Oai với quận Hà Đông, Hà Nội đẹp là vậy nhưng những ngày này không ít đoạn vàng rực bởi những “ruộng lúa trên mặt đường”. Một hộ dân thôn Song Khê, xã Tam Hưng, Thanh Oai giải thích do đất nhà trước dùng phơi thóc, nay phải chia để con cái làm nhà nên mới phải ra phơi ở mặt đường. Nhưng một số hộ khác lại cho rằng, phơi ở mặt đường thóc khô rất nhanh, thậm chí còn tránh được bụi bặm khi phơi ở nhà. Hậu quả, các phương tiện chỉ được đi một nửa làn đường. Cũng tại đoạn đường này, cách đây vài ngày một xe bán tải đã đâm chết một con bò vì chủ nhân của nó thả cho chạy tự do.

Ngày 5-7, tại thôn Xuân La, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, một chiếc xe ô tô 5 chỗ bốc cháy khi đang lưu thông. Nguyên nhân ban đầu được xác định do gầm xe quấn phải rơm phơi trên đường. Trước đó vài ngày, tại khu vực gần chân cầu Tịnh Xuyên, xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, Thái Bình, một chiếc xe ô tô con khác cũng bị cháy. Nguyên nhân cũng liên quan tới rơm phơi mặt đường… Những tai nạn, rủi ro như này thì ai thông cảm cho các chủ xe? Còn xét về sự an nguy của con người thì không có vật chất nào so sánh được.

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, theo quy định tại khoản 2 Điều 35, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Việc người dân phơi lõi ngô trên đường lấn đa số hết phần đường dành cho xe thô sơ, xe máy làm người điều khiển phương tiện giao thông đi qua những đoạn đường này buộc phải chạy ra gần giữa đường, rất dễ gây tai nạn.

Theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính, hành vi chiếm dụng lòng đường, lề đường là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền đối với cá nhân từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; đồng thời áp dụng biện pháp bổ sung yêu cầu buộc phải thu dọn các vật cản, thu dọn những vật liệu, đồ vật chiếm dụng mặt đường và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức.

Năm 2018, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có văn bản gửi tới UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo UBND cấp huyện, xã, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, CA các xã phối hợp thanh tra giao thông đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng lòng đường, vỉa hè trái quy định pháp luật..

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu các địa phương tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi dùng gạch, đá xếp thành hàng trên đường để ngăn không cho các phương tiện giao thông đi vào khu vực phơi nông sản; người dân mang xe lôi, xe tự chế, phương tiện ra giữa đường để thu dọn nông sản; tình trạng người dân đốt rơm rạ, các sản phẩm phụ của nông nghiệp sau thu hoạch dọc hành lang an toàn các tuyến đường bộ, đường cao tốc tạo khói dày đặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao thông.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-the-bien-minh-cho-nhung-an-hoa-nguy-hiem-151084.html