Khơi thông thể chế, tạo động lực tăng trưởng

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tập trung thời gian xem xét thấu đáo gần 40 nội dung, trong đó có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp với hàng chục dự án luật, dự án, dự thảo nghị quyết, quy phạm pháp luật, 15 nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, các vấn đề quan trọng khác…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh DUY LINH)

Nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường và tại tổ tập trung nêu các kiến nghị làm như thế nào khơi thông nguồn lực về thể chế, giải quyết những vướng mắc về cơ chế, chính sách, qua đó tạo đột phá, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện nay và thời gian tới.

Trên diễn đàn thảo luận tổ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm đạt được những kết quả quan trọng.

Ngoài động lực tăng trưởng truyền thống, một số yếu tố mới bắt đầu hình thành, ghi nhận dấu hiệu chuyển động rõ nét, nhất là tăng trưởng từ kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Tại nhiều địa phương đã huy động các nguồn lực thúc đẩy nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới với những bước đi hiệu quả.

Điều đáng ghi nhận trong thời gian qua, các cấp, các ngành tiếp tục ưu tiên, tập trung rất cao, kiên trì, kiên định 3 mục tiêu đột phá, trước hết là việc ưu tiên quyết liệt, đồng bộ cho xây dựng hoàn thiện thể chế.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã ban hành 32 luật, bám sát quan điểm tập trung cho phân cấp, phân quyền, nâng cao chất lượng hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung cải cách thủ tục hành chính, rà soát toàn bộ hệ thống thể chế thuộc thẩm quyền, phấn đấu hoàn thành các nghị định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên nhiều lĩnh vực, ưu tiên nguồn lực tối đa cho các công trình trọng điểm.

Thẳng thắn nhận diện tình hình đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, các thành viên Chính phủ và các đại biểu Quốc hội chia sẻ cùng quan điểm, nếu khơi thông được nguồn lực về hệ thống thể chế, giải quyết những vướng mắc, “điểm nghẽn” như thị trường đất đai, hay thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, khơi thông nguồn lực để đất nước phát triển.

Chung quanh các nội dung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình, đánh giá cao những kết quả và những bất cập, khó khăn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển như Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Từ thực tiễn, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri phản ánh thực trạng thủ tục hành chính ở nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) thủ tục hành chính vẫn là “điểm nghẽn”.

Theo báo cáo của Chính phủ, về kết quả rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, từ năm 2021 đến hết tháng 3/2024, có gần 2.900 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa tại 246 văn bản quy phạm pháp luật, ước tính tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt khoảng 18,2% trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh.

Tuy nhiên, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại kỳ họp lần này nêu rõ: vẫn còn một số quy định, thủ tục hành chính không phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Bức tranh màu xám trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cả nước đã được các bộ trưởng, đại biểu Quốc hội chia sẻ thực tế: Trong 4 tháng đầu năm, có hơn 86,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đầu tư khu vực tư nhân phục hồi nhưng còn chậm, chỉ tăng khoảng 4,2%, tăng trưởng tín dụng đến đầu tháng 4/2024 chỉ tăng 0,92% so với năm 2023.

Từ thực tiễn của địa phương, phản ánh của cử tri và nhân dân, đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) và các đại biểu khác đề xuất về giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết vùng, phát huy vai trò của Hội đồng Vùng, thực hiện hiệu quả quy hoạch đã được phê duyệt - một trong những giải pháp đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tích cực thúc đẩy và quyết liệt chỉ đạo.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, tạo bước đột phá trong kết nối giao thông các khu vực trọng điểm, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành ưu tiên nguồn lực, thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư một số công trình hạ tầng quan trọng, một khi các công trình này được khai thác sẽ tạo những động lực mới cho vùng động lực cũng như cả nước.

Phân tích, đề cập những lực cản, trở ngại của đội ngũ cán bộ trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách vừa qua, tại các diễn đàn, các đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội có một nghị quyết cho phép khi thực thi công vụ, được phép vận dụng quy định của pháp luật, hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật phù hợp nhất, từ đó khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai, hay đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, ngành như hiện nay.

Bày tỏ lo ngại với vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, 5 nhóm bất cập, hạn chế được đoàn giám sát nêu ra đều xác đáng; 4 nhóm nguyên nhân chủ quan gây nên các bất cập, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 43 cũng như các nghị quyết liên quan của Quốc hội thời gian qua đều trúng và đúng.

Các đại biểu cho rằng cần chỉ rõ và thực thi triệt để kỷ luật những đối tượng né tránh, sợ trách nhiệm; bên cạnh đó khen thưởng kịp thời những cá nhân dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Từ thực tế, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) và một số đại biểu khác cho rằng, dù dự án có phức tạp đến bao nhiêu, nếu có được cơ chế đặc thù, được phép bỏ qua những quy định không cần thiết, được làm theo những phương thức phù hợp thực tế thì dù khó mấy vẫn thực hiện được. Trong khi nếu dự án có cần đến mấy nhưng nếu theo cách phải tuân thủ các quy định hiện hành thì chưa chắc thực hiện được...

Như vậy các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho phép cơ quan thực thi được phép hành động khác so với quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp thực tiễn, giúp “cởi trói, mang lại tác động tích cực”, qua đó khuyến khích cán bộ thực thi công vụ năng động, sáng tạo.

Các đại biểu đề nghị Quốc hội có một nghị quyết cho phép khi thực thi công vụ, được phép vận dụng quy định của pháp luật, hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật phù hợp nhất, dựa trên cơ sở tính khả thi, phù hợp thực tế và không trái với quy định “cấm” của pháp luật.

Tuần làm việc thứ 2, Quốc hội dành cả ngày thứ tư (29/5) thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Quốc hội cũng thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.

THÁI ANH/ báo nhân dân

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chinh-tri/khoi-thong-the-che-tao-dong-luc-tang-truong-73667.html