Khí SO2 từ núi lửa phun ở Indonesia bay đến sát miền Nam nước ta, ảnh hưởng thế nào?

Tại Indonesia gần đây có nhiều lần núi lửa phun trào rất mạnh, trong đó lần gần nhất là vụ phun trào của núi Ruang vào ngày 30/4. Đến nay, khí sulfur dioxide (SO2) do vụ phun trào này đã theo chiều gió lan rộng sang Malaysia và đến sát miền Nam nước ta. Vậy khí này có thể gây những ảnh hưởng gì?

Núi Ruang - ngọn núi lửa cao 725 mét ở Đảo Ruang (Indonesia) - đã phun trào rất dữ dội nhiều lần kể từ giữa tháng 4. Mới nhất là hôm 30/4, núi Ruang phun trào 3 lần, bắn tung dung nham và tro bụi lên rất cao trên bầu trời, khiến Trung tâm Giảm thiểu Nguy cơ Núi lửa và Địa chất (PVMBG) của Indonesia phải ra cảnh báo núi lửa ở mức cao nhất.

Núi lửa phun ra nhiều đất đá vụn và nhiều loại khí, trong đó khí sulfur dioxide (SO2) là loại có thể bay lên rất cao và tồn tại rất lâu trong bầu khí quyển, có khi đến cả năm. Nó lại có thể lan đi rất xa theo chiều gió.

Núi lửa Ruang phun trào trong tháng 4 là một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất ở Indonesia trong vòng 50 năm. Ảnh: Ronny Adolof/ AFP.

Theo trang thời tiết Windy, dữ liệu từ Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung hạn châu Âu (ECMWF) cho thấy những đám mây sulfur dioxide từ núi Ruang đã lan rộng ra hơn 1.000 km. Trên bản đồ của Windy, có thể thấy những đám mây khí này đã bay tới rất sát miền Nam nước ta, do miền Nam đang có gió Đông Nam.

Những đám mây khí SO2 có thể làm giảm ánh nắng và giảm nhiệt nhẹ, tuy nhiên, chúng cũng có thể gây ô nhiễm không khí.

Khí SO2 từ núi lửa Ruang ở Indonesia đã lan xa theo chiều gió, sáng nay (3/5) đến sát miền Nam nước ta (màu cam đỏ càng đậm là lượng khí SO2 càng cao). Ảnh: Windy.

Trong trường hợp khí SO2 ở gần bề mặt Trái Đất, việc hít phải khí này là rất độc hại, tuy nhiên, hiện nay khí SO2 bay từ núi lửa Ruang đang ở trên tầng cao của khí quyển và điều nó có thể làm là gây ra mưa axit, theo trang EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ). Mưa axit chủ yếu gây hại cho hoa màu, cây cối, các công trình, còn nguy cơ với sức khỏe con người thì không do mưa axit trực tiếp gây ra, mà do sự ô nhiễm vốn tạo nên mưa axit cũng tạo nên những hạt rất nhỏ trong không khí. Khi con người hít phải những hạt rất nhỏ này có thể bị ho, khó thở, hoặc khiến tình trạng của những người bị bệnh như hen suyễn, viêm phế quản… trở nên nặng nề hơn.

Còn theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thì những đám mây SO2 còn góp phần gây suy giảm tầng ozone, từ đó làm tăng lượng bức xạ tia tử ngoại (tia UV) đến Trái Đất.

Vì vậy, ở những nơi mà các đám mây SO2 lan tới, người dân khi ra ngoài trời nên đeo khẩu trang lọc khí loại tốt, che chắn nắng để giảm tác hại của tia tử ngoại.

Người dân ở Indonesia đi sơ tán sau khi núi lửa Ruang phun trào. Ảnh: Antara Foto/ Andri Saputra/ via Reuters.

Về núi lửa Ruang, PVMBG cũng cảnh báo người dân ở các khu vực lân cận về nguy cơ “những vụ phun trào mới và động đất”, khuyên người dân đeo mặt nạ bảo vệ (tránh khí độc). Tình trạng khẩn cấp được chính quyền địa phương tuyên bố sẽ có hiệu lực đến ngày 14/5.

Thục Hân

Theo nhiều nguồn tin

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/khi-so2-tu-nui-lua-phun-o-indonesia-bay-den-sat-mien-nam-nuoc-ta-anh-huong-the-nao-post1633933.tpo