Khẳng định tầm quan trọng của việc điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trong bối cảnh hiện nay

Chiều ngày 7/3, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương về khảo sát việc triển khai, thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội (gọi tắt là Kết luận số 100) tại Bộ Công an.

Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận.

Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận.

Dự buổi làm việc có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương là thành viên Tổ Biên tập Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100;

KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, NGHIÊN CỨU, NẮM BẮT DƯ LUẬN XÃ HỘI ĐÃ GÓP PHẦN CHỦ ĐỘNG DỰ BÁO, ĐỊNH HƯỚNG TRƯỚC NHỮNG VẤN ĐỀ PHỨC TẠP, NHẠY CẢM

Thiếu tướng Đặng Ngọc Bách, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Bách, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW.

Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Đảng ủy Công an Trung ương, Thiếu tướng Đặng Ngọc Bách, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an cho biết, Đảng ủy Công an Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, đảng viên trong CAND đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dư luận xã hội; nhận thức rõ hơn trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác điều tra, nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội. Các luồng dư luận xã hội trong CAND trước các vấn đề, sự kiện nổi lên được quan tâm nắm bắt, tổng hợp, phản ánh và định hướng kịp thời, đúng chỉ đạo của Trung ương. Các cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội được coi trọng, tổ chức khá hiệu quả.

Kết quả công tác điều tra, nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội đã góp phần chủ động dự báo, định hướng trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm; là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng, đáng tin cậy phục vụ đắc lực cho công tác tham mưu xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong CAND.

Đảng ủy Công an Trung ương đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 100-KL/TW và Hướng dẫn số 167-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương cho hơn 500 cán bộ chủ chốt các đơn vị trực thuộc Bộ và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong CAND; ban hành Quy chế hoạt động của công tác viên dư luận xã hội trong CAND ... Bộ Công an đã ban hành Hướng dẫn số 02/HD-BCA, ngày 14/6/2016 triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW trong CAND và các văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho công tác điều tra, nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội trong CAND như Thông tư số 94/2021/TT-BCA, ngày 14/10/2021 quy định về công tác nắm, giải quyết tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sĩ và dư luận xã hội của CAND; Quyết định số 3104/QĐ- BCA, ngày 29/8/2017 quy định tổ chức lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và Nhân dân đối với CAND; Thông tư về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ CAND...

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Kết luận 100-KL/TW đã lồng ghép với việc quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Trung ương, nhất là Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 3/2/2017 của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet và mạng xã hội và Chương trình phối hợp công tác số 09/Ctr- BCA- BTGTW, ngày 19/7/2016 giữa Bộ Công an và Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác tuyên truyền. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết việc thực hiện Kết luận 100-KL/TW được lồng ghép trong các kế hoạch kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả công tác năm của các cấp ủy; trong đó đã chỉ đạo việc tổng kết 10 năm thực hiện từ cấp cơ sở.

Về nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo; kiện toàn cán bộ làm công tác điều tra, nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội. Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, hầu hết cấp ủy, lãnh đạo,chỉ huy và cán bộ, đảng viên trong CAND đã có nhận thức đầy đủ hơn về vị trí,vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội.

Cùng với việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ủy Công an Trung ương đã luôn chú trọng việc điều tra, nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội khi triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là về các chủ trương, chính sách tác động lớn đến cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân như: Triển khai thực hiện Đề án 6 của Chính phủ; việc đề xuất sửa đổi, sung một số luật trình Quốc hội; việc kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ, tăng cường cho công an xã chính quy... Trên cơ sở dư luận xã hội, đã tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp tạo sự đồng thuận, nhất trí trong tổ chức thực hiện phù hợp, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong tổ chức thực hiện.

Việc nắm bắt, tổng hợp, phản ánh, định hướng dư luận xã hội. Việc nắm bắt, tổng hợp, phản ánh dư luận xã hội trong CAND được thực hiện có nhiều đổi mới, sát thực tiễn. Nội dung nắm bắt, tổng hợp tình hình dư luận xã hội chủ yếu vào các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội nổi bật trong nước và quốc tế, các chủ trương lớn của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an mà dư luận quan tâm, nhất là: Các kỳ Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội; các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại nổi lên; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các vụ án trọng điểm... Hình thức nắm bắt, tổng hợp tình hình dư luận xã hội được thực hiện đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh…

Nhiều báo cáo, thông tin về tình hình tư tưởng và dư luận xã hội có chất lượng tốt đã giúp việc nắm bắt, tổng hợp, phản ánh dư luận xã hội trong CAND đảm bảo tính khách quan, trung thực. Các thông tin dư luận phản ánh được nghiên cứu kỹ, xử lý kịp thời. Nhiều luồng thông tin đã có tác dụng trong việc xem xét, quyết định các giải pháp triển khai thự chiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng đúng đắn dư luận xã hội; đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái thù địch.

Đồng chí Phạm Thu Hà, Viện trưởng Viện Dư luận xã hội phát biểu.

Đồng chí Phạm Thu Hà, Viện trưởng Viện Dư luận xã hội phát biểu.

Việc định hướng dư luận xã hội được quan tâm thực hiện kịp thời, đúng định hướng chỉ đạo của Trung ương, bảo đảm nguyên tắc một đầu mối là Người phát ngôn của Bộ Công an, thể hiện rõ tinh thần đổi mới theo phương châm “chủ động, kịp thời, thống nhất, hiệu quả, đồng bộ và thuyết phục”. Sau Hội nghị Công an toàn quốc, Bộ Công an đều tổ chức họp báo; sau các kỳ họp của Chính phủ, Người phát ngôn của Bộ Công an đều trả lời và cung cấp thông tin báo chí để định hướng dưluận. Công an các địa phương định kỳ hằng tháng hoặc khi có các vụ việc phức tạp, nhạy cảm liên quan đều phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề dư luận quan tâm, kịp thời định hướng dư luận.

Từ năm 2014 đến nay, Bộ Công an đã tổ chức hơn 50 Hội nghị báo cáo thời sự chuyên đề, thông báo tình hình an ninh, trật tự, thông tin đối ngoại của Đảng, Nhà nước... cho hơn 400.000 lượt cán bộ, lãnh đạo chủ chốt và đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp trong CAND. Tổ chức học tập chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hằng năm, gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, gắn với quán triệt, triển khai các nghị quyết về xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Việc triển khai các cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội. Việc tổ chức các cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội được coi trọng, thực hiện hiệu quả. Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công an đã phối hợp tổ chức điều tra xã hội học, khảo sát, đánh giá sự hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính cho cơ quan, tổ chức và Nhân dân; góp ý về tư thế, lễ tiết, tác phong, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Phối hợp tổ chức họp báo, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền cho các cơ quan thông tin, báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về quan điểm của Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo giải quyết những vấn đề nhạy cảm, bức xúc, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Một số công an đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức điều tra xã hội học. Nội dung điều tra, thăm dò dư luận xã hội khá đa dạng, phong phú; tập trung chủ yếu vào các vấn đề nóng, nhạy cảm của địa phương; vào nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội…

Một số mô hình, cách làm hiệu quả: Công khai số điện thoại trực ban, điện thoại của thủ trưởng, đơn vị thanh tra, “đường dây nóng”, hộp thư điện tử, lập trang thông tin điện tử, ứng dụng zalo, facebook để tiếp nhận phản ánh tình hình an ninh, trật tự và góp ý đối với lực lượng CAND; Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”; Hội nghị giao ban tư tưởng; đối thoại với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo công tác thực hiện Kết luận số 100 của Bộ Công an cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: Việc đổi mới công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội nói chung còn chậm. Các cuộc điều tra dư luận xã hội tổ chức chưa nhiều, nhất là trong phạm vi toàn ngành. Việc nắm bắt, nghiên cứu, báo cáo nhanh về dư luận xã hội trước một số vụ việc chưa kịp thời, tính xác thực của thông tin chưa cao; dự báo, đề xuất các giải pháp tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội còn chậm...

Các đại biểu dự buổi làm việc.

Các đại biểu dự buổi làm việc.

CÔNG TÁC DƯ LUẬN XÃ HỘI GIÚP NẮM CHẮC TÌNH HÌNH TƯ TƯỞNG, CHÍNH TRỊ CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN, TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN

Đồng chí Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt cho Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Lại Xuân Môn cảm ơn ý kiến đóng góp phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ và báo cáo của Bộ Công an tại cuộc làm việc. Đồng chí nhấn mạnh công tác điều tra dư luận là lĩnh vực khó, nhạy cảm, phức tạp cần sự thận trọng.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nêu rõ, để có cơ sở lý luận và thực tiễn đánh giá toàn diện, khách quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ việc thực hiện Kết luận số 100 của Ban Bí thư về công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, đồng thời tham mưu Ban Bí thư Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100, Ban Tuyên giáo Trung ương đã thành lập Đoàn khảo sát nhiều đơn vị, địa phương, trong đó, mở đầu là Bộ Công an.

Lý giải việc chọn Bộ Công an là đơn vị đầu tiên để khảo sát, đồng chí Lại Xuân Môn đánh giá, Bộ Công an làm tốt công tác điều tra, nắm bắt tình hình dư luận xã hội trong và ngoài lực lượng CAND, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ban Tuyên giáo Trung ương, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác này.

Nhấn mạnh kết quả cuộc khảo sát là tài liệu rất quan trọng, làm cơ sở cho báo cáo tổng kết của Trung ương tới đây, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương gợi ý một số nội dung để Đoàn khảo sát phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi, trong đó, lưu ý những kết quả, bài học kinh nghiệm mà báo cáo của Bộ Công an đã nêu; khẳng định tầm quan trọng của việc điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trong bối cảnh hiện nay.

"Thông qua dư luận xã hội sẽ giúp điều chỉnh các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước sao cho sát với người dân, sát với thực tiễn; điều chỉnh cả về phương thức lãnh đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Cùng với đó, giúp nắm chắc tình hình tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong các quyết sách; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...", đồng chí Lại Xuân Môn chỉ rõ.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ bày tỏ vinh dự đón tiếp Đoàn khảo sát của Trung ương, trân trọng cảm ơn đồng chí Trưởng đoàn cùng các thành viên đã phát biểu ý kiến, đánh giá kết quả bước đầu việc thực hiện Kết luận số 100 của Ban Bí thư về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trong CAND. Đồng thời, khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu, lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc để bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo; cam kết sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện để Đoàn khảo sát hoàn thành nhiệm vụ đề ra.../.

Tin, ảnh: Nhật Minh

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/khang-dinh-tam-quan-trong-cua-viec-dieu-tra-nam-bat-nghien-cuu-du-luan-xa-hoi-trong-boi-canh-hien-nay-153187