Khẩn trương hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm

Để đảm bảo nguồn cung thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung phục vụ nhu cầu điều trị cho người bệnh, Bộ Y tế đang nỗ lực khẩn trương hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm trên toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai thành việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến hình thành khoảng 3-6 trung tâm trên cả nước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Số lượng danh mục các thuốc dữ trữ khoảng từ 15-20 loại và botulinum cũng là 1 trong các loại thuốc nằm trong danh mục các thuốc này.

Đại diện Cục Quản lý Dược cho hay, cơ quan này đang họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO, làm sao để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam cũng như các nước xung quanh khu vực, cũng như các kho của WHO.

Chuyên gia cũng cho hay, hiện nay, căn cứ pháp lý về thuốc hiếm cơ bản đã đầy đủ, do đó Cục Quản lý dược đã có những văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần chủ động trong công tác xây dựng nhu cầu, dự báo tình hình dịch bệnh, cũng như dự trù số lượng cần thiết và mua sắm thuốc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt với các thuốc hiếm.

Liên quan đến việc ngộ do Bolutium, Cục An toàn thực phẩm vừa đưa ra các khuyến cáo nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè cần.

Theo đó, người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm;

Bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; - Sử dụng nguồn nước sạch; - Bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh.

Đặc biệt, nên thực hiện ăn chín, uống sôi. Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt lợi và hại của chiếc tủ lạnh.

Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm.

Tuy nhiên, nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo;

Thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.

Đối với phòng chống ngộ độc Botulinum theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân cần hạn chế sử dụng thiết bị đóng túi hút chân không tạo điều kiện môi trường yếm khí thuận lợi cho Clostridium botulinum phát triển.

Về vụ việc ngộ độc Bolutium, thông tin từ cơ sở y tế cho hay, điều trị 2 bệnh nhân - là anh em ruột (26 tuổi và 18 tuổi, địa chỉ tại TP.Thủ Đức) bị ngộ độc Bolutium đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cuối giờ chiều 26/5, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại của 2 trường hợp này.

Theo đó, hiện đã là ngày thứ 15 của hai bệnh nhân từ khi ngộ độc botulinum. Các bác sĩ đang cố gắng dùng những phương pháp điều trị tích cực để phòng ngừa những biến cố sau đó và ngăn chặn những diễn tiến bệnh có khả năng xấu hơn.

Về tình trạng sức khỏe của người em, ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã bị liệt cơ, sức cơ là 1/5, đến hiện tại chưa có sự cải thiện và hồi phục.

Riêng bệnh nhân là người anh, ngay từ thời điểm đầu, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khá hơn người em. Tuy nhiên, sau 14 ngày điều trị, tình trạng liệt cơ không tiến triển. Hiện tại sức cơ tứ chi của người anh là 2/5 đến 3/5.

Đến thời điểm này, hai bệnh nhân ngộ độc botulinum trên vẫn nằm ở phòng Hồi sức tích cực của Khoa Bệnh Nhiệt đới. Các bác sĩ tiên lượng dè dặt khả năng diễn tiến của hai bệnh nhân.

Cũng liên quan đến công tác điều trị 3 bệnh nhi bị ngộ độc botulinum khác, trước đó, tối 25/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết có một trẻ chuẩn bị được xuất viện.

Theo các chuyên gia y tế, độc tố botulinum có 7 type A, B, C, D, E, F, G. Thế giới hiện có ba loại thuốc giải độc tố này. Hai loại có tác dụng với một số type nhất định, riêng thuốc BAT có thể giải độc cho cả 7 type.

Thuốc giải BAT sẽ giúp trung hòa độc tố botulinum còn lại trong máu, ngăn không tấn công vào hệ thần kinh và giảm độ nặng triệu chứng.

Trường hợp ngộ độc botulinum nếu sử dụng thuốc BAT sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải thở máy.

Nhưng trường hợp không có thuốc giải độc BAT thì các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ, chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Thở máy sẽ phải kéo dài và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Với bệnh lý này, chất độc của botulinum làm cho tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ.

Hiện loại thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (thuốc BAT) rất đắt đỏ, có giá khoảng 6.300 USD/lọ, điều kiện bảo quản thuốc rất khó khăn khi phải bảo quản âm sâu ở nhiệt độ từ -77 độ C đến -17 độ C.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khan-truong-hinh-thanh-cac-trung-tam-du-tru-thuoc-hiem-d190643.html