Kế hoạch quản lý nào cho Gaza?
Các kế hoạch lạc quan cho Gaza thời hậu chiến vừa đặt lên bàn đàm phán của nhiều bên đã bị phủ bóng đen khi tình hình khu vực Trung Đông trở nên căng thẳng chưa từng có sau hai vụ không kích xảy ra chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ, dẫn đến cái chết của hai quan chức cấp cao của phong trào Hamas tại Dải Gaza và lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Thiếu cơ sở thực tế
Kể từ khi nổ ra cuộc chiến tại Gaza, đây không phải lần đầu tiên xảy ra các vụ quan chức cấp cao của các quốc gia và thực thể đối địch với Israel bị thiệt mạng trong tấn công. Cái chết của hai nhân vật cấp cao của Hezbollah và Hamas xảy ra chưa lâu sau vụ tấn công của phong trào Houthi tại Yemen nhằm vào thành phố Tel Aviv, cộng với tuyên bố trả đũa của Iran. Có thể nói Israel đang trong thế “tứ bề thọ địch”.
Theo tuyên bố ngày 2-8 do Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh đưa ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin “đã ra lệnh điều chỉnh trạng thái quân sự của Mỹ nhằm cải thiện khả năng bảo vệ lực lượng Mỹ, tăng cường hỗ trợ cho việc phòng thủ của Israel và đảm bảo Mỹ sẵn sàng ứng phó với nhiều tình huống bất ngờ khác nhau”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy các bên đều không muốn “kích hoạt” một cuộc đối đầu toàn diện (do Israel có nguy cơ sa lầy ở Dải Gaza, Iran và Hezbollah đều có những khó khăn nội bộ cần tập trung giải quyết). Dẫu vậy, các kế hoạch lạc quan cho Gaza đều thiếu cơ sở thực tế, bởi những việc như viện trợ, an ninh và tái thiết đều khó khăn hơn mọi người tưởng. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) hiện kiểm soát 26% lãnh thổ Gaza. Không ai có thể kiểm soát 74% còn lại. Nếu không có an ninh, việc phân phối viện trợ không thể thực hiện hiệu quả, trong khi người dân Gaza không thể tồn tại nếu không có viện trợ.
Mầm mống thế lực cực đoan
Quân đội Israel kiểm soát 2 hành lang ở Gaza, một ở trung tâm, một dọc biên giới với Ai Cập. Phần còn lại của vùng lãnh thổ này nói chung không được quản lý, tội phạm ăn cắp hàng viện trợ nhân đạo, lấy cắp tiền từ các máy rút tiền và cướp phá cửa hàng. Trong khi đó, cảnh sát, những người giữ trật tự cho Gaza trước chiến tranh, giờ thiếu trầm trọng. Theo trang Stratfor Worldview, Chính phủ Israel đang phải đối mặt với sức ép trong nước và quốc tế trong việc đưa ra kế hoạch dần kết thúc hoạt động quân sự và trả lại nhiệm vụ dân sự và chính trị cho chính quyền địa phương ở Gaza.
Để cân bằng sức ép này, Israel nhiều khả năng tìm đến các đối tác Palestine nhằm tạo ra một chính quyền Israel - Palestine, theo đó trao quyền lực dân sự cho Palestine và an ninh cho Israel. Kịch bản các chuyên gia đưa ra là, trước tiên Israel có thể tìm cách thành lập chính quyền dân sự mới vận hành bởi các quan chức Palestine ở Gaza hoặc Bờ Tây, những người không có liên hệ với Hamas hay chính quyền dân tộc Palestine (PA), để khôi phục các dịch vụ cơ bản và giảm thiểu tình trạng cực đoan ở Dải Gaza. Israel đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những ứng cử viên đủ kinh nghiệm điều hành. Vì vậy, theo thời gian, nước này có thể hướng tới những người Palestine có quan hệ với các nhóm có uy tín.
Ngoài ra, PA cho biết, họ sẵn sàng quay lại quản lý Dải Gaza, nhưng chỉ khi là một phần trong tiến trình dẫn đến nhà nước Palestine. Tuy nhiên, các đồng minh quốc tế của Israel và nhiều cường quốc trong khu vực đang thúc đẩy các giải pháp khác. Trong khi Ai Cập yêu cầu IDF rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) lại yêu cầu Mỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình sau chiến tranh. Đồng thời, Liên đoàn Arab đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đến Gaza để quốc tế hóa giải pháp quản lý.
Trong ngắn hạn, chính sách của Israel ở Gaza giống như phiên bản quân sự hóa của việc chiếm đóng Bờ Tây. Israel nhiều khả năng sẽ tiến hành hoạt động đột kích và rút quân ở Gaza trong ít nhất vài tháng khi nước này tiếp tục truy đuổi các chiến binh và lãnh đạo Hamas. Tuy nhiên, hành động này có thể tạo ra một chính quyền dân sự yếu kém và không được lòng dân, dẫn đến sự quay lại của các tay súng ở Gaza, thách thức khả năng của Israel trong việc duy trì lực lượng ở dải đất này trong dài hạn.
Khi không có chính sách nhất quán, chính quyền dân sự suy yếu và nhiều lỗ hổng an ninh, các phe phái cực đoan mới có thể xuất hiện, bao gồm cả những nhóm chịu ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo (IS), các phe phái người Palestine mới như nhóm phiến quân Lions’ Den, hay các phe phái hiện có như Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ).
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ke-hoach-quan-ly-nao-cho-gaza-post752594.html