Kế hoạch của EU viện trợ 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine gặp trở ngại

Với tình trạng hiện tại của ngành công nghiệp quốc phòng, châu Âu khó có thể hoàn thành mục tiêu 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine trong 1 năm.

Những cánh tay robot khổng lồ và các lò đốt công nghệ cao tại một trong những nhà máy sản xuất đạn dược lớn nhất châu Âu đã phải hoạt động suốt ngày đêm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu bùng phát để sản xuất những quả đạn 155mm. Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, đến năm 2028, công ty mẹ của nhà máy, Nammo, có thể đạt sản lượng 200.000 quả đạn pháo mỗi năm – gấp 20 lần sản lượng trước khi xung đột diễn ra.

Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa đủ và thời điểm cũng không đủ sớm, bởi hiện nay Ukraine cần trung bình 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng để đẩy lùi bước tiến của Nga. Thực tế, tổng sản lượng của tất cả 11 nhà máy sản xuất đạn pháo ở châu Âu vẫn còn kém xa con số mà Ukraine đang cần.

Nhà máy sản xuất đạn dược của Nammo ở Na Uy. Ảnh: NY Times

Khó mở rộng sản xuất nếu không có đơn đặt hàng dài hạn

Đó là vấn đề đang tác động tới nhiều nước NATO, hơn 30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc khiến nhiều thành viên cắt giảm chi tiêu quân sự để chuyển sang các khoản chi tiêu phúc lợi xã hội. Giờ đây, khi mà ngay cả Mỹ cũng đang chật vật đáp ứng nhu cầu về các hệ thống vũ khí và các vật liệu khác, các quan chức và các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu châu Âu có thể mở rộng sản xuất lĩnh vực công nghiệp quân sự vốn đã bị thu hẹp để đáp ứng đủ nhu cầu của Ukraine hay không?

Câu trả lời có lẽ là không, ít nhất là trong ngắn hạn. Các thành viên NATO hy vọng có thể đáp ứng nhu cầu tức thì của Ukraine từ các kho dự trữ trong và ngoài nước trong khi tìm cách tăng sản lượng nhiều nhất có thể nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài nhiều năm.

“Chúng ta có một cuộc chiến về năng lực công nghiệp, vừa để giúp đỡ Ukraine, vừa để xây dựng lại nguồn cung. Tôi nghĩ chúng ta lẽ ra nên hiểu điều này từ trước và hành động theo cách này từ sớm, nhưng giờ chúng ta mới bắt đầu”, Morten Brandtzaeg, Giám đốc điều hành của Nammo cho biết.

Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý chi tới 2,14 tỷ USD để cung cấp 1 triệu quả đạn pháo 155mm cho Ukraine trong vòng 12 tháng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nhận định: “Có thể chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu đó”.

Điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Nammo, một trong những nhà sản xuất đạn pháo lớn nhất châu Âu.

Có trụ sở chính cách thủ đô Oslo khoảng 1 giờ đi xe về phía Bắc, Nammo, sản xuất và lưu trữ đạn dược tại 9 quốc gia châu Âu và Mỹ. Hiện công ty này đang tìm cách mở rộng sản xuất ở cả 2 lục địa. Tuy nhiên, Nammo nhận thấy kế hoạch của họ bị cản trở bởi sự miễn cưỡng của nhiều quốc gia trong việc cam kết tăng chi tiêu quân sự.

“Các quốc gia cần có những quyết định khẩn cấp để sẵn sàng tài trợ cho năng lực công nghiệp to lớn và cần thiết này”, ông Brandtzaeg nói, đồng thời nhấn mạnh, điều đó là “không thể” nếu không có hợp đồng dài hạn.

John Arne Borresen người giám sát dây chuyền sản xuất đạn 155mm cho biết Nammo vẫn đang sản xuất với tốc độ của thời bình chứ không phải thời chiến. Ảnh: New York Times

Điều này đặc biệt đúng với đạn pháo 155mm - một trong những thứ đầu tiên các nước châu Âu cắt giảm khỏi ngân sách quốc phòng sau Chiến tranh Lạnh. Ví dụ, Na Uy đã không đặt hàng đạn pháo từ Nammo kể từ đầu những năm 1990. Hiện nước này được cho là đã đặt mua 35.000 quả đạn pháo 155mm với tổng trị giá 408 triệu USD.

Vì lý do an ninh và cạnh tranh, các quan chức của Nammo không tiết lộ sản lượng đạn pháo 155mm hiện tại của công ty. Tuy nhiên, Nammo cho biết trước khi xung đột bùng phát, họ chỉ sản xuất ở mức “hàng chục nghìn” quả. Dù vậy, ông Brandtzaeg nói rằng, sẽ mất ít nhất 3 năm để Nammo hoàn thành đơn đặt hàng của Na Uy, đơn hàng vẫn đang được đàm phán và chưa trả tiền.

Thiếu các nguồn lực cần thiết

Nammo bán số lượng đạn dược ổn định nhưng khiêm tốn cho các nước Bắc Âu và Mỹ trong nhiều năm. Giống như các công ty công nghiệp quốc phòng khác, Nammo thiếu nghiêm trọng các nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu bùng nổ sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát.

Năm 2022, công ty đã mua thêm kim loại, chất nổ đẩy và các vật liệu khác để sản xuất thêm đạn pháo. Nhưng để chế tạo chúng cần nhiều robot và các máy móc sản xuất khác – lô đầu tiên sẽ được chuyển đến nhà máy Raufoss vào tháng 6, sau khi nhà máy này mở rộng diện tích sàn vào tháng 5 để chứa chúng.

John Arne Borresen, một nhân viên kỳ cựu đã có 30 năm làm việc tại Nammo, hiện phụ trách giám sát dây chuyền lắp ráp đạn pháo 155 mm ở Raufoss, cho biết, cho đến khi nhà xưởng được mở rộng, tốc độ sản xuất sẽ vẫn ở mức “bình thường”.

Nammo hiện đang xây dựng một nhà máy mới, lớn hơn để sản xuất đạn 155mm, nhưng phải đến cuối năm 2024 mới hoàn thành. Ngay cả khi mọi việc hoàn tất, ông Borresen cho rằng sẽ cần nhiều công nhân hơn để vận hành máy móc và việc thuê những người có kiến thức về kỹ thuật cũng như các kỹ năng cần thiết khác để giám sát việc lắp ráp vũ khí vẫn là một thách thức.

Trước tình trạng thiếu đạn dược, các nhà sản xuất quốc phòng của châu Âu đang tập hợp nhiều nguồn lực hơn với hy vọng đẩy nhanh việc giao hàng.

Ông Dominique Guillet, Phó Chủ tịch điều hành công ty Nexter của Pháp, cho biết công ty của ông đã áp dụng chế độ ngày làm việc 3 ca để đáp ứng nhu cầu thời chiến.

Nexter cũng chế tạo các loại đạn phòng không và chống tăng 155mm nhưng họ vẫn cần các linh kiện và vật tư nếu muốn tăng gấp đôi sản lượng. Đây cũng là lý do đưa ông Guillet đến Nammo vào tuần trước để tìm kiếm sự giúp đỡ từ một đối thủ cạnh tranh.

Ông Guillet cho biết, khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, “mọi người đều nghĩ rằng nó sẽ không kéo dài”. Nhưng hơn một năm sau, “mọi thứ đang trở nên thách thức hơn” trong “hệ sinh thái” của ngành công nghiệp đạn dược châu Âu.

“Mọi người đều biết đôi khi chúng tôi là đối thủ cạnh tranh, nhưng chúng tôi cũng là đối tác về linh kiện, thành phần”, ông nói./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo NY Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ke-hoach-cua-eu-vien-tro-1-trieu-qua-dan-phao-cho-ukraine-gap-tro-ngai-post1013017.vov