Indonesia ra quy định mới về vốn với công ty cho vay ngang hàng

Cho vay P2P, nền tảng dựa vào internet để liên kết những người đi vay và người cho vay, đã trở thành cách thức phổ biến để các doanh nghiệp nhỏ huy động tiền.

Indonesia siết chặt các quy định cho vay ngang hàng. Ảnh: BNEWS

Indonesia vừa ban hành một quy định mới về vốn đối với các công ty cho vay ngang hàng (P2P), động thái nhằm làm sạch lĩnh vực cho vay trực tuyến đang bùng nổ song cũng chịu nhiều lời phàn nàn của người tiêu dùng.

Có hiệu lực từ ngày 4/7, quy định trên của Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) yêu cầu các công ty cho vay P2P phải có vốn tối thiểu 25 tỷ rupiah (1,67 triệu USD), tăng từ mức 1 tỷ rupiah trước đó, và duy trì ít nhất 12,5 tỷ rupiah vốn chủ sở hữu ở mọi thời điểm.

Ông Freddy Karyadi, luật sư chuyên hỗ trợ các công ty công nghệ tài chính (fintech) cho biết: “Điều này sẽ tạo ra một sự chọn lọc tự nhiên và xác định các công ty cho vay P2P có lành mạnh hay không”.

Cho vay P2P, nền tảng dựa vào internet để liên kết những người đi vay và người cho vay, đã trở thành cách thức phổ biến để các doanh nghiệp nhỏ huy động tiền và các cá nhân không được tiếp cận tín dụng ngân hàng vay vốn.

Kể từ năm 2015, các công ty cho vay trực tuyến nước ngoài, trong đó có nhiều công ty Trung Quốc, đã nhắm mục tiêu đến thị trường 270 triệu dân của Indonesia, song một số công ty cho vay trực tuyến “ma” không có văn phòng vật lý và sử dụng các phương thức đòi nợ hung hăng, chẳng hạn như gọi điện cho gia đình và đồng nghiệp của khách hàng.

Joel Shen, người đứng đầu bộ phận công nghệ châu Á của công ty luật quốc tế Withers, cho rằng quy định chặt chẽ hơn nói trên sẽ không ngăn cản bất kỳ công ty “nghiêm túc” nào, mặc dù có thể làm giảm số lượng công ty cho vay P2P mới.

Indonesia có khoảng 150 công ty cho vay P2P đăng ký kinh doanh trước khi Tổng thống Joko Widodo ra lệnh cấm cấp phép cho các công ty cho vay fintech nhằm làm trong sạch lĩnh vực này hồi tháng 10/2021.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của OJK, chính phủ đã xác định số lượng các nền tảng cho vay trực tuyến bất hợp pháp tại nước này đã tăng gấp ba lần vào năm 2019 lên mức 1.493 công ty.

Quy định nói trên cũng yêu cầu đóng băng cổ phần của các cổ đông trong vòng ba năm sau khi thiết lập nền tảng và việc bổ nhiệm giám đốc điều hành cấp cao tại các tổ chức cho vay này cần phải được OJK chấp thuận.

Trước đó ngày 20/7, Hội đồng ủy viên OJK cho biết họ sẽ giám sát việc thực hiện quy định, đồng thời hối thúc tất cả các công ty cho vay P2P chưa đăng ký nộp đơn xin cấp phép để hoạt động hợp pháp./.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-ra-quy-dinh-moi-ve-von-voi-cong-ty-cho-vay-ngang-hang/252280.html