Huyện Duyên Hải: Tập trung giảm nghèo, nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới

Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 14,2 triệu đồng/năm, hộ nghèo chiếm trên 18,2%. Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình, kinh tế tăng trưởng nhanh và chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2022 đạt 61 triệu đồng/năm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM (Chương trình), huyện Duyên Hải có điểm xuất phát thấp, nhất là về lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, huyện và sự “đồng tâm, hiệp lực” của các tầng lớp Nhân dân, ngày 15/7/2023, huyện Duyên Hải đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2022 (Quyết định số 624/QĐ-TTg, ngày 02/6/2023, của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022).

Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 14,2 triệu đồng/năm, hộ nghèo chiếm trên 18,2%. Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình, nay bộ mặt nông thôn huyện Duyên Hải khởi sắc, kinh tế tăng trưởng nhanh và chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2022 đạt 61 triệu đồng/năm.

Do là huyện thuần nông, đồng bào Khmer chiếm 42,07% so tổng số hộ (toàn xã có 20.514 hộ); huyện có 06 xã: Ngũ Lạc, Đôn Xuân, Đôn Châu, Long Vĩnh, Đông Hải, Long Khánh và thị trấn Long Thành, gần 90.000 nhân khẩu... tuy đạt chuẩn huyện NTM nhưng hiện nay huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc tiếp tục thực hiện giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập... mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng chất lượng các tiêu chí của huyện NTM là việc làm thường xuyên, được Đảng bộ, chính quyền, các ngành đoàn thể và Nhân dân toàn huyện quan tâm.

Đồng chí Dương Thị Hồng Thắm, Phó Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Duyên Hải cho biết: huyện Duyên Hải đã đạt 09/09 tiêu chí huyện NTM, có 100% xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có 03/06 xã: Long Vĩnh, Đông Hải, Long Khánh đạt chuẩn xã NTM nâng cao; đến cuối tháng 9/2023, qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, huyện Duyên Hải còn 453/20.514 hộ nghèo, chiếm 2,2%; 554/20.514 hộ cận nghèo, chiếm 1,13%. Kết quả đạt được, nhờ năm 2023, huyện Duyên Hải tập trung nhiều giải pháp đồng bộ để giảm nghèo, được người dân đồng tình, hưởng ứng và tạo hiệu quả tích cực.

Anh Thạch Lết, ngụ ấp La Bang Chùa, là học viên lớp sửa chữa máy nổ, nhận sửa chữa máy bơm nước.

Đồng chí Dương Thị Hồng Thắm cho biết thêm: thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025”, huyện Duyên Hải có 04 xã thuộc diện này: Ngũ Lạc, Đôn Xuân, Đôn Châu và Long Vĩnh. Đầu năm 2023, Huyện ủy, UBND huyện Duyên Hải lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nâng cao các tiêu chí NTM, thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực... nhằm giảm nghèo bền vững. Trong đó, quan tâm đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm; vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dựa trên thế mạnh và tiềm năng: nuôi thủy sản, quan tâm đến mô hình con nuôi mới, gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn... nhằm nâng cao các tiêu chí huyện NTM.

Trên tinh thần đó, 09 tháng năm 2023, huyện phối hợp với các sở, ngành tỉnh tổ chức 18/25 lớp đào tạo nghề, có 465 học viên tham dự. Các lớp đào tạo nghề được gắn với nhu cầu lao động, việc làm của địa phương: nghề xây dựng, sửa chữa máy nổ, chăn nuôi - thú y, kỹ thuật trồng màu, nuôi tôm công nghệ cao… Trong đó, huyện quan tâm đến một số lớp đào tạo sau khi ra trường, có việc làm, phát huy nghề với công việc nông thôn. Nhờ đó, toàn huyện hiện có 37.592 lao động trong độ tuổi có việc làm, thu nhập ổn định; trong đó, có 15.369 lao động có bằng cấp, chứng chỉ nghề.

Tại ấp La Bang Chùa, xã Đôn Châu, tôi được gặp anh Thạch Lết, là học viên lớp sửa chữa máy nổ; sau khi tham gia lớp học đã giúp anh thêm “cứng tay nghề”; từ đó nhiều người biết anh và đến sửa chữa máy nhiều hơn. Từ đó, anh có thêm thu nhập và nâng cao tay nghề.

“Thành công đối với tôi sau gần 03 tháng học nghề, tôi biết được tất cả các nguyên lý hoạt động của các loại máy nổ thông dụng mà nông dân hay sắm: máy bơm nước, mô-tưa... nhờ đó, máy ở nhà, tôi không phải tốn tiền sửa như trước đây. Máy nổ để tát nước của gia đình, hễ “bị bệnh” gì, là tôi biết ngay, sửa chữa liền, khỏi tốn công phải chở máy đi tìm thợ, tốn thời gian, trể lịch sản xuất…”. Anh Thạch Lết cho biết.

Đồng chí Dương Thị Hồng Thắm cho biết thêm, tập trung giảm nghèo của huyện được triển khai thực hiện nhiều giải pháp, từ đầu năm 2023 đến ngày 20/10, huyện đã có 75/35 lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, tăng hơn 02 lần so với chỉ tiêu nghị quyết của Huyện ủy, cũng như của tỉnh giao.

Nổi bật trong thực hiện giảm nghèo là nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của năm 2022 chuyển sang năm 2023 gần 1,684 tỷ đồng; vốn phân bổ năm 2023 là 3,847 tỷ đồng. Từ 02 nguồn vốn này, huyện đã xây dựng 08 tiểu dự án. Các dự án được tập trung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo: nuôi bò sinh sản, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; nuôi dê sinh sản; hỗ trợ phát triển sản xuất trong cộng đồng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững vùng nghèo, vùng khó khăn...

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-nong-thon-moi/huyen-duyen-hai-tap-trung-giam-ngheo-nang-chat-luong-cac-tieu-chi-nong-thon-moi-32953.html