Hội An chính thức trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chính thức trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, tạo đà giúp phố cổ định vị thương hiệu là điểm đến phát triển văn hóa bản địa với nhiều sản phẩm thủ công sáng tạo, thân thiện môi trường.

Ngày 31-10, Ban thư ký mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã xác nhận Hội An là đại diện tiếp theo của Việt Nam trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập vào năm 2004, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo. Đồng thời, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.

Làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là nơi thu hút nhiều du khách quốc tế và những ai yêu thích gốm sứ. Ảnh: Hội An

Làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là nơi thu hút nhiều du khách quốc tế và những ai yêu thích gốm sứ. Ảnh: Hội An

Tính đến tháng 10-2022, mạng lưới có 295 thành phố thành viên đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có 59 thành phố trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.

Trong những năm qua, Hội An luôn được biết đến là thành phố bảo tồn, phát huy những giá trị của nghề thủ công và nghệ thuật dân gian. Hiện nay, thành phố có năm làng nghề và gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động như nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng… Trong đó có ba làng nghề và một nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia.

Làng mộc Kim Bồng được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 15. Kim Bồng Đông đóng tàu thuyền, Kim Bồng Tây chạm khắc gỗ để cho ra những sản phẩm còn tồn tại qua nhiều thập kỷ, mà trong đó khu phố cổ Hội An là một trong những minh chứng của một thời kỳ hưng thịnh cũng như sự tài hoa của những người thợ làng mộc Kim Bồng. Ảnh: Hội An.

Làng mộc Kim Bồng được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 15. Kim Bồng Đông đóng tàu thuyền, Kim Bồng Tây chạm khắc gỗ để cho ra những sản phẩm còn tồn tại qua nhiều thập kỷ, mà trong đó khu phố cổ Hội An là một trong những minh chứng của một thời kỳ hưng thịnh cũng như sự tài hoa của những người thợ làng mộc Kim Bồng. Ảnh: Hội An.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái các làng nghề, cộng đồng làng nghề cùng các tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của cư dân bản địa đã góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú và đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như hát Bả trạo, hò khoan, hô hát Bài chòi… Trong đó, nghệ thuật Bài chòi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghề làm đầu lân thủ công ở Hội An. Ảnh: Hội An

Nghề làm đầu lân thủ công ở Hội An. Ảnh: Hội An

Theo thống kê, hiện thành phố Hội An có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp trong lĩnh vực này có thu nhập trung bình từ 3.500 – 4.000 đô la Mỹ mỗi năm.

Các sản phẩm thủ công làm từ tre. Ảnh: Hội An

Các sản phẩm thủ công làm từ tre. Ảnh: Hội An

Việc trở thành thành viên chính thức của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO giúp Hội An định vị thương hiệu, thu hút đầu tư. Thêm vào đó, đây là cơ hội để Hội An mở rộng mối quan hệ, hợp tác quốc tế, tiếp cận và tiếp thu kinh nghiệm, những giá trị từ các chuyên gia quốc tế để linh hoạt vận dụng vào mô hình phát triển riêng biệt của Hội An.

Từ đây, các nguồn lực, thế mạnh về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người Hội An cũng sẽ được phát huy tối đa và đúng hướng, là cơ sở để thành phố tập trung vào công tác giới thiệu hình ảnh, văn hóa địa phương, các chính sách bảo tồn, phát triển lĩnh vực văn hóa sâu rộng hơn.

Với tiêu chí xanh và phát triển bền vững, các sản phẩm thân thiện với môi trường, mang đậm nét văn hóa bản địa là một trong những yếu tố giúp Hội An trở thành thành phố sáng tạo. Ảnh: Hội An

Với tiêu chí xanh và phát triển bền vững, các sản phẩm thân thiện với môi trường, mang đậm nét văn hóa bản địa là một trong những yếu tố giúp Hội An trở thành thành phố sáng tạo. Ảnh: Hội An

Ngoài ra, để thực hiện cam kết đối với mạng lưới, thành phố Hội An sẽ cụ thể hóa kế hoạch hành động thực hiện sáng kiến như dự án Mộc Kim Bồng – Khơi nguồn sáng tạo, Ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ, Sáng tạo Hội An trong Không gian Kỹ thuật số và các sáng kiến mang tính quốc tế như liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế, Lễ hội đèn lồng quốc tế, Ngôi nhà sáng tạo Hội An. Cùng với đó, thành phố cũng kết nối các chính sách nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa sáng tạo có liên quan.

Quỳnh Như

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/hoi-an-chinh-thuc-tro-thanh-thanh-pho-sang-tao-unesco/