Hoạt động nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc từ Mỹ hoàn toàn 'tê liệt'
Trong tháng 6, Trung Quốc gần như không nhập khẩu ba mặt hàng năng lượng chính từ Mỹ - một động thái nhạy cảm trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington chuẩn bị nối lại đàm phán nhằm giải quyết các bất đồng thương mại.

Trong tháng 6, Trung Quốc gần như không nhập khẩu ba mặt hàng năng lượng chính từ Mỹ. Hình minh họa
Cụ thể, các lô hàng dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá từ Mỹ đều không được nhập về Trung Quốc, do bị áp mức thuế từ 1015% kể từ tháng 2. Đây là biện pháp trả đũa trong cuộc chiến thương mại do chính quyền Trump khởi xướng, khiến hàng hóa từ Mỹ mất lợi thế cạnh tranh về giá.
Đỉnh điểm là tháng trước, Trung Quốc lần đầu tiên sau gần 3 năm không nhập khẩu bất kỳ lượng dầu thô nào từ Mỹ, theo số liệu hải quan mới công bố. Dầu thô là mặt hàng có giá trị lớn và được giao dịch nhiều nhất toàn cầu, Trung Quốc lại là quốc gia nhập khẩu lớn nhất. Cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc đã chi gần 800 triệu USD để mua dầu từ Mỹ.
Cũng trong tháng 6, lượng khí LNG nhập khẩu từ Mỹ tiếp tục ở mức 0 tháng thứ tư liên tiếp. Một phần nguyên nhân là các công ty Trung Quốc đã bán lại các lô hàng LNG mua từ Mỹ sang thị trường khác như châu Âu và châu Á, nơi giá bán cao hơn. Còn với mặt hàng than đá, giá trị nhập khẩu từ Mỹ từng đạt hơn 90 triệu USD hồi tháng 6 năm ngoái giờ chỉ còn vài trăm USD trong hai tháng gần đây.
Trước đó, trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một ký kết năm 2020 nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã cam kết tăng mua năng lượng và nông sản của Mỹ để thu hẹp thặng dư thương mại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình trạng mất cân đối thương mại kéo dài, Bắc Kinh không thực hiện đầy đủ các cam kết. Điều này góp phần khiến căng thẳng thương mại gia tăng trở lại, đặc biệt trong bối cảnh ông Trump tái tranh cử và từng bước lấy lại ảnh hưởng chính trị.
Chiến lược đa dạng hóa nguồn cung của Trung Quốc
Trong thời gian qua, Trung Quốc tích cực tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Hiện phần lớn dầu thô mà nước này nhập khẩu đến từ Ả Rập Xê-út và Nga, trong khi Mỹ chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong nhóm 10 nước cung cấp lớn nhất. Sau xung đột ở Ukraine, Nga đã trở thành nguồn cung khí giá rẻ chủ lực cho Trung Quốc.
Việc dừng nhập khẩu dầu từ Mỹ phần nào phản ánh sự chuyển hướng chiến lược của Trung Quốc sang các đối tác có lợi hơn, cũng như chi phí vận chuyển cao do khoảng cách địa lý xa, theo ông Lin Ye Phó Chủ tịch phụ trách thị trường hàng hóa tại công ty tư vấn Rystad Energy.
Tuy nhiên, ông Ye cũng nhấn mạnh đây là động thái có tính toán, nhằm đáp trả các chính sách thuế kéo dài, các biện pháp trừng phạt nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc và căng thẳng chiến lược với Mỹ. “Đây là cách Trung Quốc thể hiện lập trường kiên quyết trước áp lực đơn phương”, ông nói.
Tình hình đàm phán sắp tới
Gần đây, trọng tâm trong thương mại Mỹ - Trung đã chuyển từ năng lượng sang các vấn đề khác như chip máy tính và đất hiếm. Dù vậy, vẫn chưa rõ việc Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ có còn là ưu tiên với ông Trump như trước không. Nhưng nếu hai bên muốn thu hẹp chênh lệch thương mại, đây vẫn là yếu tố cần được tính đến.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent, cho biết sẽ gặp đại diện Trung Quốc tại Stockholm vào tuần tới trong vòng đàm phán thứ ba, nhằm kéo dài lệnh tạm hoãn áp thuế, dự kiến hết hạn vào ngày 12/8. Các cuộc đối thoại dự kiến cũng sẽ đề cập đến việc Trung Quốc tiếp tục mua dầu từ Nga và Iran hai nước đang bị Mỹ cấm vận. Washington đã cảnh báo sẽ áp thuế nặng với các nước tiếp tục nhập năng lượng từ Nga, điều này khiến Trung Quốc vừa đối mặt với rủi ro, vừa là cơ hội để Mỹ thu hút lại người mua.
Trong khi đó, nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc như ngô cũng giảm trong những tháng gần đây, một phần do yếu tố mùa vụ. Sau khi mùa thu hoạch trong nước kết thúc, các doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng chuyển sang mua từ Nam Mỹ. Tuy nhiên, thử thách lớn sẽ đến vào cuối năm, khi Mỹ bước vào vụ thu hoạch mới. Cho đến nay, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc vẫn chưa đặt hàng trước đậu tương, hay ngô, cho niên vụ 2025-2026.
Tổng nhập khẩu nông sản của Trung Quốc cũng đang giảm do kinh tế suy yếu, khiến các nhà cung cấp Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc giành thị phần, đặc biệt khi phải cạnh tranh với các nước khác.
Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra trong thị trường nhiên liệu hóa thạch. Khi nhu cầu yếu, nguồn cung nội địa dồi dào và năng lượng sạch phát triển nhanh, việc nhập khẩu nhiên liệu qua đường biển đặc biệt từ Mỹ không còn hấp dẫn với Trung Quốc.