Hiệu quả từ các mô hình hợp tác xã kiểu mới

Với tỷ lệ 78,3%, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng số các HTX hiện có trên địa bàn huyện Đức Trọng. Trong số này, một số HTX đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đồng đều, đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng thu nhập cho người nông dân.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng công nghệ cao của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú đã góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp huyện Đức Trọng

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng công nghệ cao của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú đã góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp huyện Đức Trọng

Một số HTX kiểu mới tiêu biểu có thể kể tên như: HTX Hương sắc Đà Lạt, HTX Nông nghiệp Tiến Huy, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú...

Đối với HTX Nông nghiệp Tiến Huy, nhiều năm qua, đơn vị đã hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Cụ thể, HTX liên kết với 26 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ công đoạn đầu tiên (làm đất xuống giống) đến công đoạn cuối cùng (thu hoạch, đóng gói) với gần 48 ha rau VietGAP, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường 40 - 50 tấn rau. HTX Nông nghiệp Tiến Huy ứng trước giống và vật tư nông nghiệp cho nông dân, bao tiêu sản phẩm với mức giá xây dựng từ đầu mùa vụ. Người dân hợp tác với HTX Tiến Huy theo 2 phương thức đó là trồng trong nhà lưới hoặc nhà kính, với các loại nông sản như ớt ngọt, dưa leo bayby, bông cải xanh... Riêng 2 giống dưa leo baby và bông cải xanh baby được HTX Nông nghiệp Tiến Huy phân phối độc quyền từ Nhật Bản, nên cung ứng cho nông dân sản xuất thường chốt giá thu mua ổn định ngay từ lúc xuống giống. Trên 0,1 ha đất, nông dân hợp tác với HTX Nông nghiệp Tiến Huy sẽ lãi trung bình 200 triệu đồng trồng dưa leo baby và 100 triệu đồng trồng bông cải xanh baby. Hàng ngày, HTX Nông nghiệp Tiến Huy bao tiêu hơn 1 tấn rau an toàn các loại với giá cạnh tranh so với giá thị trường.

HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú được thành lập vào năm 2004. Theo ông Lê Văn Ba - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú, trong giai đoạn đầu mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn về vốn, sản lượng các loại nông sản thấp, không có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả nông sản bấp bênh. Nhằm đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên và người lao động, HTX đã tiến hành củng cố lại bộ máy tổ chức hoạt động của HTX theo Luật HTX năm 2012, sắp xếp nhân sự một cách có khoa học, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận sản xuất, kinh doanh, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại vào sản xuất, thuê chuyên gia Israel tư vấn để cải tiến kỹ thuật sản xuất rau, củ, quả theo hướng công nghệ cao. Từ đó năng suất, chất lượng các mặt hàng rau, củ, quả sản xuất ra ngày càng được cải thiện, đa dạng các chủng loại, hình thành liên kết với các công ty, siêu thị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp cuộc sống xanh T&T và trở thành nhà cung cấp chiến lược của công ty. Việc liên kết góp phần tăng số lượng thành viên của HTX lên 17 thành viên và 2 đơn vị liên doanh, nâng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lên 37 ha, sản lượng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra thị trường mà cụ thể là mặt hàng rau, củ, quả từ 1.000 tấn/năm tăng lên đến 5.000 tấn/năm, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng trong năm 2020. HTX giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đáng chú ý là tạo việc làm cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, ổn định thu nhập, có cơ hội tiếp cận với những kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, HTX luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất và an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện đúng theo quy định của cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, HTX luôn thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình tại địa phương như việc đóng góp xây dựng làm mới đường bê tông nông thôn, cũng như các phong trào do địa phương phát động.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng công nghệ cao của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú đã góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp của huyện, góp phần giảm tỷ lệ hoang hóa diện tích đất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích, hình thành HTX điển hình trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình trên cũng đã được người dân tại địa phương và các nơi khác đến tham quan, học tập.

NHẬT MINH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202109/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-hop-tac-xa-kieu-moi-3080543/