Hiệu quả sử dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước

Chữ ký số là ứng dụng quan trọng trong quá trình thực hiện thay thế văn bản giấy bằng văn bản điện tử. Việc triển khai ứng dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước được xem là giải pháp hiện đại, thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả tích cực trong xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính của tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ứng dụng chữ ký số nhằm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giải quyết các thủ tục hành chính

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ứng dụng chữ ký số nhằm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giải quyết các thủ tục hành chính

Qua ghi nhận tại các địa phương, việc ứng dụng chữ ký số góp phần hiện đại hóa nền hành chính, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Chủ tịch UBND xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường Trần Hữu Mậu cho biết: "Đến nay, tỷ lệ văn bản điện tử ký số văn bản đi, phát hành trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại xã đạt 100%.

Không chỉ tiết kiệm vật tư (giấy, máy, mực in ấn), chi phí phát hành mà còn nhanh chóng, thuận tiện nhờ làm việc trên môi trường Internet. Ngoài ra, thông qua phần mềm quản lý văn bản chuyên dụng việc tra cứu, lưu trữ được thuận tiện dễ dàng.

Quy trình soạn thảo, phê duyệt, phát hành văn bản; thời gian, mục đích đăng nhập đều được lưu trên hệ thống nên hoàn toàn công khai, minh bạch, phần nào cũng giúp cho việc đánh giá năng lực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ được rõ ràng, cụ thể”.

Còn tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (BQL), thủ tục cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Doanh nghiệp khi có nhu cầu xin cấp giấy phép làm báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến BQL. Nếu đạt yêu cầu, BQL sẽ ra văn bản điện tử ký số để chấp thuận.

Đây là thủ tục quan trọng để doanh nghiệp thực hiện bước tiếp theo, đó là hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép. Nếu như trước đây, có những doanh nghiệp tuyển dụng hàng trăm vị trí làm việc, mỗi một hồ sơ xin cấp phép phải kèm 1 văn bản chấp thuận (bản chính hoặc bản sảo có chứng thực). Thì bây giờ, với văn bản chấp thuận điện tử này, doanh nghiệp không phải mất chi phí cho việc chứng thực, hồ sơ được hoàn thiện dễ dàng, nhanh chóng.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, 100% cơ quan nhà nước (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) đã thực hiện ký số văn bản đi trên phần mềm quản lý văn bản.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có gần 269.000 văn bản đi ký số trên phần mềm quản lý văn bản; tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của cả tỉnh đạt 96% (tỷ lệ ký số của các sở, ban, ngành là 99%; tỷ lệ ký số của UBND các huyện, thành phố là 96%, tỷ lệ ký số của UBND các xã, phường, thị trấn là 93%).

Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp chứng thư số (hiểu một cách đơn giản, chứng thư số giống như giấy chứng minh nhân dân, chuyên dùng trong môi trường điện tử) cho 39 cơ quan, đơn vị, với tổng số 2.030 chứng thư số bao gồm 1.595 chứng thư số cá nhân, 435 chứng thư số cơ quan, 77 Sim PKI cho lãnh đạo của 21 cơ quan, đơn vị.

Trong thời gian tới, nhằm tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng chữ ký số; kịp thời phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

Tổ chức đào tạo, tập huấn sử dụng chữ ký số chuyên dùng; tổ chức hội thảo, hội nghị về an toàn, an ninh thông tin và phổ biến các quy định liên quan đến vai trò của chữ ký số. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tại cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy, việc triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng đã tạo ra một tư duy mới, nhận thức mới và thói quen làm việc mới, làm việc hoàn toàn trên môi trường mạng cho cán bộ, công chức, viên chức; góp phần mạnh mẽ trong nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện cải cách hành chính, hướng tới một nền hành chính minh bạch, hiệu lực và hiệu quả.

Quá trình chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc được rút ngắn, tiến độ xử lý công việc của các cấp, các ngành được đẩy nhanh, thời gian gửi, nhận văn bản được giảm tối đa. Hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước nhờ đó được nâng lên, việc triển khai đầy đủ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh bảo đảm điều kiện sẵn sàng cho bước tiếp theo để xây dựng Chính phủ điện tử là xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh.

Bài, ảnh: Khánh Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/73881/hieu-qua-su-dung-chu-ky-so-trong-cac-co-quan-nha-nuoc.html