Hà Nội dốc sức cho 7 tuyến vành đai trọng yếu

Trong hệ thống hạ tầng giao thông khung của Thủ đô, 7 tuyến đường vành đai có vai trò vô cùng quan trọng, định hình mạng lưới giao thông đường bộ của thành phố, tạo tiền đề cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Hà Nội cũng như cả Vùng Thủ đô.

Tuyến Vành đai 2 nhìn từ trên cao

Bộ khung định hình

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận.

Tuyến Vành đai 1 có lộ trình: Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Kim Liên - Hoàng Cầu - Voi Phục - Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy - Bưởi); là một trong những trục chính đô thị quan trọng, nhằm kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội. Trong những năm qua TP đã đầu tư xây dựng Vành đai 1 từ Đê Nguyễn Khoái - Hoàng Cầu; đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là nút thắt cuối cùng cần tháo gỡ để hoàn thiện, đồng bộ toàn tuyến.

Tuyến Vành đai 2 được xem là cao tốc đô thị với lộ trình khép kín từ cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - cầu Đông Trù - Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - Nguyễn Văn Linh - Đàm Quang Trung - và trở lại cầu Vĩnh Tuy.

Vành đai 2 có nhiều đoạn tuyến đi trên cao, cho phép phương tiện giao thông tránh được những khu vực ùn tắc, lưu thông với vận tốc cao ngay trong lòng đô thị trung tâm. Hiện, Vành đai 2 chỉ còn đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy chưa được khép kín.

Vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, giảm tải nằm giữa Vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây - Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông - Dương Đình Nghệ - Trung Kính - Hoàng Đạo Thúy - Vũ Trọng Phụng - Đầm Hồng - Khương Đình - Định Công - Kim Đồng - Tân Mai - Đền Lừ - Lĩnh Nam.

Sau nhiều năm đình trệ do vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB), đoạn tuyến Đầm Hồng - QL1 với điểm nhấn quan trọng là hầm chui Kim Đồng đang được gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Đường Vành đai 3 đã được đầu tư đồng bộ cả đường trên cao và dưới thấp từ cầu Thanh Trì - Linh Đàm - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long, trở thành trục chính giao thông đô thị của Hà Nội. Bên cạnh đó, Vành đai 3 cũng là tuyến phải gánh chịu lưu lượng giao thông vãng lai từ các tỉnh thành lân cận lớn nhất, gây nhiều áp lực về ùn tắc nhất cho Thủ đô.

Tuyến Vành đai 3,5 là tuyến bổ trợ nằm giữa Vành đai 3 và 4 của Hà Nội, bắt đầu từ đoạn nối vào cao tốc Pháp Vân (thuộc huyện Thanh Trì) - Phúc La (quận Hà Đông) - đi qua các quận, huyện: Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm - QL32 - cầu Thượng Cát.

Tương tự như Vành đai 2,5, do vướng mắc GPMB, dự án triển khai khá chậm trong nhiều năm. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND, HĐND thành phố, các đoạn tuyến của dự án đang dần vượt qua khó khăn, điều chỉnh chủ trương, bắt tay vào thi công.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài hơn 112km đi qua Thủ đô Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công kết hợp hình thức đối tác công – tư (PPP). Tuyến đường có điểm đầu đấu nối vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc huyện Sóc Sơn), điểm cuối tuyến đấu nối vào cao tốc Nội Bài - Hạ Long (thuộc tỉnh Bắc Ninh). Trong đó, đoạn tuyến đi qua địa phận Hà Nội dài 56,5km nằm trên địa bàn 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông.

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đang được gấp rút thực hiện.

Vành đai 4 được nhận định là tuyến đường quan trọng nhất trong thời điểm này, giảm tải cho Vành đai 3, kéo giãn mật độ giao thông ra khỏi nội đô, đồng thời là tiền đề cho sự phát triển đồng đều giữa đô thị trung tâm và khu vực ngoại ô thành phố. Dự án đã được khởi công vào tháng 6/29023, hiện đã triển khai 29 mũi thi công, GPMB đạt trên 90%, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ và hiệu suất triển khai rất cao của Hà Nội.

Đường Vành đai 5 có tổng chiều dài 331,5km, được quy hoạch đi qua địa giới 8 tỉnh, thành: Hà Nội; Hòa Bình; Hà Nam; Thái Bình; Hải Dương; Bắc Giang; Thái Nguyên; Vĩnh Phúc. Đoạn qua Thủ đô dài khoảng 48km, nằm trên địa bàn: Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa. Lộ trình từ cầu Vĩnh Thịnh - đường Hồ Chí Minh - cao tốc Hòa Lạc - huyện Thạch Thất - đi về phía Nam sang địa phận tỉnh Hòa Bình, đến khu vực Chợ Bến rẽ theo hướng Đông vượt sông Đáy sang địa phận tỉnh Hà Nam. Hà Nội đang đặt mục tiêu có thể khởi động dự án vào năm 2025.

Mở rộng tầm nhìn

Bảy tuyến đường vành đai nêu trên được xem là bộ khung định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội, cấp thiết phải được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ trong giai đoạn trước mắt.

Hiện trong các tuyến đường vành đai mới chỉ có Vành đai 3 là được đầu tư bài bản cả đường trên cao lẫn dưới thấp, có năng lực lưu thông thuộc loại lớn nhất của Hà Nội, bởi vậy áp lực giao thông dồn lên tuyến này rất lớn. Theo thống kê, hiện mỗi ngày Vành đai 3 phải tiếp nhận trên 122.000 lượt phương tiện, cao gấp 8 lần thiết kế. Muốn giải tỏa áp lực cho Vành đai 3 rất cần phải đầu tư đồng bộ Vành đai 2; 2,5; 3,5; 4, đặc biệt là các đoạn tuyến có tính chất bổ trợ cho Vành đai 3 trong khu vực đô thị trung tâm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, TP nên tập trung đầu tư cho Vành đai 4 và 5 vì tính chất liên kết vùng của nó. Khi hoàn thiện, hai tuyến này sẽ giảm tải đáng kể các phương tiện vãng lai quá cảnh Hà Nội, đồng thời tạo nên các đầu mối vận tải, logistic lớn cho cả Vùng Thủ đô và khu vực Bắc bộ. Đây cũng là cơ sở để đẩy các bến xe lớn như: Giáp Bát, Mỹ Đình ra khỏi nội đô; đồng thời hình thành các bến xe tải lớn cần phải hoàn thiện Vành đai 4 và 5 trước để tạo tiền đề cho thông thương vận tải.

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất đầu tư một loạt dự án giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có 3 đoạn tuyến Vành đai 2: từ Khu đô thị mới Dịch Vọng - đường Dương Đình Nghệ (dài 720m); đoạn Trung Kính - Trần Duy Hưng (dài 580m); và đoạn Ngụy Như Kon Tum - Đầm Hồng (dài 1.890m). Cùng 2 đoạn tuyến Vành đai 3: từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài (dài 9,8km); và từ trục Nhật Tân - Nội Bài Quang Minh (dài 5km). Vành đai 3,5 được đề xuất đầu tư 2 đoạn: từ cầu Thượng Cát - QL32 (dài 3,8km); và đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (dài 10,8km).

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đánh giá, đây đều là những dự án quan trọng, khi hoàn thiện sẽ cho thấy ngay hiệu quả giảm ùn tắc giao thông, tăng cường khả năng thông thương, liên kết trong nội bộ Thủ đô cũng như với các địa phương lân cận.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung phân tích: “Có các vành đai lớn mà thiếu đường đô thị kết nối để phân bổ phương tiện đều khắp các khu vực thì cũng khó lòng đem lại hiệu quả tốt. Muốn các tuyến Vành đai phát huy hết năng lực phải đảm bảo nó trở thàn trung tâm, kết nối chặt chẽ với toàn mạng lưới đường bộ của Hà Nội”.

Hiện nhiều tuyến nối giữa các vành đai, đặc biệt là đường trong nội đô đang gặp không ít khó khăn, triển khai chậm chạp. Do đó tính liên kết giữa các vành đai chưa chặt chẽ, chưa phát huy được tối đa hiệu quả đầu tư.

Mặt khác, những tuyến vành đai đặc biệt, nằm trong nội đô như Vành đai 1, 2,5… vẫn đang đối diện với rất nhiều thách thức về GPMB. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Dù khó Hà Nội cũng phải nỗ lực, quyết tâm thực hiện. Ví dụ như Vành đai 1 sẽ là trục giao thông huyết mạch của khu vực nội đô lịch sử, nơi tập trung mật độ phương tiện cao nhất, trung chuyển áp lực đến các tuyến Vành đai 2, 3… Vai trò của nó là khó có thể thay thế”.

Trưởng Phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành chia sẻ, một khi có Vành đai 4, các luồng vận tải quá cảnh Hà Nội sẽ tránh được điểm nghẽn, đảm bảo kết nối giữa các tỉnh, thành trong Vùng Thủ đô, giúp chính Hà Nội cũng có một lối thoát khi lâm vào cảnh ùn tắc tứ phía. “Với vai trò là đầu tầu của Vùng Thủ đô, Hà Nội đã nhanh chóng thúc đẩy việc đầu tư xây dựng dự án Vành đai 4. Không chỉ xây dựng tuyến cao tốc kết nối xuyên vùng mà cả mạng lưới đường đô thị song hành cũng được triển khai rốt ráo”.

Tổng Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) Phạm Hữu Sơn còn cho rằng, Hà Nội cần rà soát lại quy hoạch GTVT. Trước đây thành phố mới chỉ tính toán làm đến Vành đai 5, nhưng với đà phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cần xem xét nghiên cứu quy hoạch cả Vành đai 6.

Có thể nói, trong ít năm qua, Hà Nội đã tập trung mọi nỗ lực, dám nghĩ, dám làm, thể hiện quyết tâm rất lớn, tầm nhìn chiến lược dài hạn trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Mặc dù khó khăn còn nhiều, nhưng cùng lúc đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cả 7 tuyến vành đai trọng yếu.

“Đừng nhìn trước mắt ngổn ngang mà lo lắng, tôi tin chắc trong khoảng 5 năm nữa, hệ thống hạ tầng giao thông khung đường bộ của Hà Nội sẽ thành hình rõ nét, tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho Thủ đô, khiến cả nước cũng như bạn bè quốc tế phải ngỡ ngàng”.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

Hải Phương

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tin-tuc/ha-noi-doc-suc-cho-7-tuyen-vanh-dai-trong-yeu-119553.html