Gìn giữ 'trái tim' của hệ thống giáo dục
Cô Kara Stoltenberg là giáo viên ngữ văn tại trường trung học Norman tại bang Oklahoma (Mỹ). Dù phải làm việc 40, 50 giờ và đôi khi 60 giờ/tuần, cô chỉ nhận được mức lương 34.000 USD/năm.
Trong khi đó, mức lương trung bình tại Mỹ là 59.428 USD/năm. Với mức lương thấp, Stoltenberg chỉ đủ trang trải chi phí cuộc sống, mà chưa “dám mơ” đến việc mua nhà, mua xe hay dành dụm tiết kiệm. Một người bạn thân đã mời cô đến dự đám cưới ở thành phố Salt Lake. Nhưng Stoltenberg cảm thấy bất lực khi không đủ tiền để mua vé máy bay hay đặt phòng khách sạn cho dịp này. Stoltenberg là một trong số hàng triệu giáo viên trên thế giới đang làm việc vất vả mà chưa nhận được mức lương xứng đáng.
Giáo viên được ví như “trái tim” của hệ thống giáo dục, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển trên toàn thế giới. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, vai trò trung tâm của giáo viên trong quá trình định hình tương lai và chuyển đổi giáo dục đã được minh chứng rõ nét. Các thày, cô giáo là nhân tố then chốt để phản ứng với cuộc khủng hoảng và việc gián đoạn học tập. Trong thời đại tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ và trí tuệ nhân tạo, giáo viên càng thể hiện vai trò nòng cốt bởi họ được xem là những chuyên gia có khả năng giúp định hướng cho người học trước vô vàn dữ liệu chưa được kiểm chứng.
Tuy nhiên, vào thời điểm mà hệ thống giáo dục được kỳ vọng hỗ trợ mọi người học trong quá trình chuyển đổi đang diễn ra, thế giới lại đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên. Thống kê cho thấy thế giới thiếu 69 triệu giáo viên trong khi nhiều giáo viên đang làm việc, đặc biệt tại các khu vực Nam Á và khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi, thiếu trình độ chuyên môn cơ bản để bắt kịp với những xu hướng thay đổi của ngành. Kết quả thăm dò do hãng Gallup tiến hành tại Mỹ năm 2022 cho thấy 55% số giáo viên được hỏi muốn bỏ nghề sớm hơn dự kiến và 35% định nghỉ việc trong 2 năm tới.
Do đó, Ngày Giáo viên thế giới (5/10) năm nay có chủ đề "Chúng ta cần giáo viên cho nền giáo dục mà chúng ta mong muốn: Yêu cầu cấp thiết toàn cầu về đảo ngược tình trạng thiếu giáo viên". Các hoạt động kỷ niệm nhân ngày này tập trung biểu dương và tôn vinh những con người đã ngày đêm miệt mài bên giáo án, đồng thời nêu bật vấn đề mang tính cấp bách là thu hút và “giữ chân” giáo viên, từ đó khắc phục tình trạng thiếu hụt giáo viên.
Có nhiều nguyên nhân khiến nghề “trồng người” cao quý giảm sức hút. Khối lượng công việc, yêu cầu của nhà trường và phụ huynh, số lượng học sinh gia tăng trong khi các điều kiện làm việc giảm sút, lương thấp, cũng như chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Tại nhiều nước, chính phủ không ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên không được tiếp cận với chương trình đào tạo chất lượng và phát triển chuyên môn liên tục.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo nếu những vấn đề trên không được giải quyết, tình trạng thiếu đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp có nguy cơ “giáng một đòn chí mạng” vào việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 4: Đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Tình trạng thiếu giáo viên gây gián đoạn quá trình học tập của các học sinh ở vùng sâu, vùng xa hay các khu vực kém phát triển, cũng như phụ nữ và bé gái, và nhóm dân số dễ bị tổn thương và “bên lề” xã hội. Hơn nữa, số lượng giáo viên giảm mạnh còn dẫn tới thực trạng các trường học phải hạ tiêu chuẩn tuyển dụng, nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, UNESCO đã làm việc với chính phủ các quốc gia, hỗ trợ tăng cường năng lực đánh giá nhu cầu giảng dạy, xây dựng các chính sách mạnh mẽ về việc tuyển dụng, triển khai, quản lý, phát triển chuyên môn của giáo viên. Đặc biệt, UNESCO chú trọng vào nền giáo dục của châu Phi, vấn đề hòa nhập, bình đẳng giới và công nghệ kỹ thuật số. Sáng kiến Giáo viên do Cơ quan Hợp tác Phát triển của Na Uy (NORAD) tài trợ và được UNESCO cùng với các tổ chức đối tác triển khai chung tại các nước Burkina Faso, Ghana, Malawi và Uganda đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Tại Nhật Bản, chính phủ triển khai Dự án quốc gia cải cách phong cách, điều kiện làm việc của giáo viên. Chẳng hạn như việc thuê giáo viên đã nghỉ hưu chấm và nhập điểm kiểm tra giúp giảm 107 giờ làm việc trong năm cho mỗi giáo viên, hay thuê các đơn vị tư nhân bên ngoài thực hiện các hoạt động ngoại khóa vào ngày nghỉ, ngày lễ giúp giảm 129 giờ làm việc của mỗi giáo viên/năm. Công nghệ thông tin đã được ứng dụng để giảm tải cho giáo viên như liên kết trực tuyến với phụ huynh giúp giảm thời gian làm việc ngoài giờ của giáo viên, những người vốn trước đó thường phải in thông tin và mang đến tận nhà cho các học sinh.
Tại Australia, bang Queensland là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc thiếu giáo viên. Chính quyền bang tiếp tục đầu tư vào nguồn lực giảng dạy, thực hiện hàng loạt sáng kiến thu hút và giữ chân giáo viên chất lượng cao. Năm 2020, chính quyền Queensland cam kết tuyển dụng hơn 6.000 giáo viên mới và gần 1.200 giáo viên trợ giảng trong 4 năm tới. Cộng với hơn 6.000 giáo viên mới được tuyển dụng từ năm 2015, số lượng này được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán thiếu giáo viên trong các trường công lập. Cơ sở Quản lý giáo dục cũng phân bổ gói hỗ trợ giáo viên trị giá 20 triệu USD trong 4 năm tới.
Năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố một loạt chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, đáng chú ý là mục tiêu nâng mức lương tối thiểu của giáo viên lên 2.000 euro/tháng, cải cách lĩnh vực dạy nghề, lập quỹ đổi mới sư phạm 500 triệu euro.
Tại Việt Nam, chính phủ cũng đang nỗ lực giải bài toán thiếu nhân lực chủ chốt trong ngành giáo dục khi kết thúc năm học 2022 - 2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022. Gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua.
Ngày Giáo viên thế giới năm nay một lần nữa là dịp để cả xã hội tri ân những con người thực hiện sứ mệnh cao quý, đồng thời UNESCO cũng nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Bên cạnh những món quà và lời chúc, điều giáo viên thật sự cần hơn bao giờ hết là được xã hội nhận ra những khó khăn trong nghề, được công nhận những giá trị đóng góp, chuyên môn của họ trong sự nghiệp “trồng người”, cũng như được hỗ trợ tích cực cả về tài chính và hành chính. Có như vậy, giáo viên mới có thể “giữ lửa với nghề”, góp phần vào công cuộc giáo dục và sự phát triển của toàn thế giới, cũng như đảm bảo thế hệ tương lai sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và giáo dục trí thức.