Giành giật mạng sống cho bệnh nhân COVID-19 nặng

Khu điều trị bệnh lý COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị là nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của tỉnh. Thời gian qua, khu này đã tiếp nhận, điều trị lành cho nhiều bệnh nhân COVID-19 được chuyển đến từ Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh; Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh. Tuy nhiên, với biến chủng Delta ngày càng diễn biến phức tạp, đội ngũ các y, bác sĩ của khu điều trị đang ngày đêm đương đầu với những ca bệnh nguy kịch, chiến đấu từng giây phút để giành giật mạng sống cho bệnh nhân.

 Trong Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 của BVĐK tỉnh -Ảnh: BVCC

Trong Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 của BVĐK tỉnh -Ảnh: BVCC

“Còn nước, còn tát”

Hằng tuần, vào mỗi chiều thứ 3 và thứ 6, bác sĩ chuyên khoa II Trương Xuân Nhuận, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, Trưởng Ban điều trị COVID-19 của bệnh viện, chỉ đạo hội chẩn và hướng dẫn trực tuyến với các bác sĩ ở khu vực điều trị bệnh lý COVID-19 của bệnh viện. Nếu tình hình khẩn cấp hơn thì việc chỉ đạo, hội chẩn giữa lãnh đạo và các bác sĩ thường xuyên hơn để đặt ra yêu cầu không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trách nhiệm của y, bác sĩ trong phòng tuyến chống dịch quan trọng bậc nhất của tỉnh. Cứ như vậy, nhiều ca bệnh nguy hiểm đã được các y, bác sĩ điều trị lành bệnh trở về nhà với niềm vui và sự biết ơn.

Đến nay, Khu điều trị bệnh lý COVID-19 của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 55 bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm, trong đó có nhiều bệnh nhân rất nặng. Đặc biệt có nhiều bệnh nhân cách ly để điều trị COVID - 19 cũng đã được điều trị nội khoa, phẫu thuật tại khu này. Xác định sẵn sàng “chiến đấu” với COVID-19, các y, bác sĩ không quản khó khăn, nguy hiểm, tập trung từng giờ, từng ngày chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Văn Lâm, chỉ đạo chuyên môn tại khu điều trị cũng vì tập trung trí lực, thời gian chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nên không có thời gian nhắn tin tâm sự với con gái của mình từ TP. Hồ Chí Minh trở về, đang thực hiện cách ly để động viên con. Thấm thoắt, thời gian bác sĩ Lê Văn Lâm cùng ê kíp đồng nghiệp làm việc tại Khu điều trị bệnh lý COVID-19 đã hơn 18 tháng, cao điểm nhất từ tháng 8/2021 đến nay. Cũng ngần ấy thời gian hết ca bệnh này nhập viện rồi đến ca bệnh khác được điều trị lành, ra viện trong niềm hạnh phúc lớn lao của người lành bệnh và đội ngũ y, bác sĩ.

Trong 8 ca bệnh COVID-19 đang được điều trị thì có một trường hợp được chẩn đoán rất nguy kịch, đó là bệnh nhân Đ.T.N.L (sinh năm 1955), ở Khu phố 2, Phường 3, TP. Đông Hà. Bệnh nhân được chuyển đến từ Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh ngày 8/9/2021, được xét nghiệm, chẩn đoán mắc COVID-19 mức độ nguy kịch trên nền bệnh nền đái tháo đường Type 2 cộng tăng huyết áp không điều trị. Bác sĩ Lê Văn Lâm, người trực tiếp điều trị cho biết, chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhân có hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, tổn thương phổi type H; hội chứng giải phóng cytokine theo thang điểm CSs và hội chứng tăng đông.

Trước tình hình này, bệnh nhân được điều trị chống suy hô hấp thông khí nhân tạo xâm nhập theo chiến lược bảo vệ phổi, áp dụng đơn vị tổn thương phổi type H, mở khí quản ngày 17/9/2021; truyền hồng cầu khối; điều trị chống bão cytokine, chống đông, chống bội nhiễm, chống hội chứng cường dị hóa, suy mòn. Cùng với đó, bệnh nhân được điều trị bệnh nền đái tháo đường và tăng huyết áp. Trong quá trình điều trị từ 8/9/2021 đến nay, bệnh nhân luôn được bảo đảm chế độ ăn uống, chăm sóc vệ sinh, vận động trị liệu. Đây là ca bệnh được ghi nhận nặng nhất đang được điều trị tại bệnh viện. Sau một thời gian được đội ngũ y, bác sĩ dồn sức điều trị, các hội chứng bệnh lý trên của bệnh nhân đang cầm chừng; tình trạng cường dị hóa nặng, tiên lượng dè dặt, khả năng cần phải can thiệp ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài của cơ thể nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng).

Không nguy kịch như ca bệnh trên nhưng trường hợp của nữ bệnh nhân L.N.P.N (47 tuổi) ở Khu phố 2, Phường 3, TP. Đông Hà được chuyển đến từ Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi từ ngày 23/9/2021 với mức độ chẩn đoán nặng kèm đái tháo đường type 2 nhẹ. Sau khi được bệnh viện tiếp nhận, bệnh nhân tiếp tục được điều trị theo phác đồ liệu pháp oxy như thở oxy lưu lượng cao, Sp02 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) dao động 98-100%. Chống đông bằng heparin; chống bão Cytokine bằng corticoid; chống hội chứng cường dị hóa bằng insulin. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi biến chứng của bão cytokine.

Các bác sĩ tiên lượng trường hợp này khả năng phải lọc máu bằng quả lọc hấp phụ cytokine. Với chủ trương “còn nước, còn tát”, đội ngũ y, bác sĩ tại khu điều trị đang ngày đêm thay phiên nhau, chấp nhận gian khổ và nguy hiểm luôn rình rập để kịp thời điều trị các ca bệnh trong khả năng có thể. Trong 8 ca bệnh đang điều trị, ngoài 1 trường hợp bệnh nhân nguy kịch và 5 trường hợp nặng đang được tích cực điều trị thì các trường hợp còn lại tình trạng bệnh vừa và nhẹ. Tuy nhiên, chi phí cho các trường hợp điều trị COVID-19, đặc biệt là ca bệnh nguy kịch là rất cao, trong khi đó đến thời điểm hiện tại bệnh viện chưa nhận được hỗ trợ từ ngân sách nên mong muốn Sở Y tế sớm có hướng dẫn để kịp thời giải quyết các khó khăn cho bệnh viện.

Đơn vị chăm sóc đặc biệt

Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 của BVĐK tỉnh Quảng Trị được thành lập vào tháng 2/2020, ban đầu đây là khu cách ly đối với các trường hợp có yếu tố nguy cơ cao nhiễm COVID-19. Khu điều trị được tổ chức các tiểu ban như: Chỉ đạo, điều trị, hậu cần, an ninh trật tự. Đây là khu điều trị cho các bệnh nhân nặng, có đội ngũ bác sĩ, y tá chuyên khoa theo dõi thường xuyên từng bệnh nhân. Toàn bộ khu điều trị có đầy đủ phòng phẫu thuật, phòng sinh, phòng chạy thận nhân tạo, hệ thống chẩn đoán hình ảnh tại giường.

Các phương tiện được tập trung như hệ thống máy thở, máy lọc thận nhân tạo, lọc máu liên tục với quả lọc hấp phụ cytokine, tim phổi nhân tạo ECMO, đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế để kịp thời điều trị bệnh cho bệnh nhân. Các phương tiện phòng hộ cá nhân được trang bị đầy đủ và chất lượng cao để bảo vệ cao nhất cho đội ngũ khám chữa bệnh.

Vừa ra đời, Khu điều trị bệnh lý COVID-19 làm tốt chức năng, nhiệm vụ thu dung, cách ly điều trị các F0 có triệu chứng, chủ yếu bệnh nhân vừa và nặng (tầng 2) và bệnh nhân nặng và nguy kịch (tầng 3) theo phân tầng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đa số các bệnh nhân nặng được chuyển đến từ Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh; Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh. Ngoài ra còn có các bệnh nhân có yếu tố dịch tễ hoặc có triệu chứng nghi ngờ, có yếu tố nguy cơ cao nhiễm COVID - 19 và bị tổn thương do bệnh lý khác, chấn thương, sinh đẻ cần điều trị.

Từ khi thành lập đến nay, Khu điều trị COVID-19 của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 55 bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm, trong đó xác định có 16 F0. Nhiều bệnh nhân COVID-19 còn được điều trị nội khoa, phẫu thuật, trong đó có bệnh nhân chấn thương nặng phức tạp, mổ đẻ, chạy thận…Bệnh nhân đầu tiên chuyển nặng là trường hợp được chuyển đến Bệnh viên Trung ương Huế cơ sở 2, sau đó tử vong vì nhiễm bệnh trên nền đái tháo đường nặng.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của bệnh viện cho biết, bệnh viện đã và đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng cần thở oxy, nguy kịch và nguy cơ tử vong cao. Công tác điều trị bệnh vất vả, nguy hiểm, ít nhiều làm ảnh hưởng đến tâm lý của cả nhân viên y tế và bệnh nhân. Một số bệnh nhân bi quan, lo lắng, có dấu hiệu thiếu hợp tác trong quá trình điều trị. Hơn nữa tình trạng cách ly trong môi trường cố định, dài ngày ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe cá nhân. Trước tình hình này, Ban giám đốc BVĐK tỉnh thường xuyên động viên hỗ trợ về mặt tinh thần và tạo điều kiện tốt trong sinh hoạt hằng ngày để các nhân viên y tế tại đây luôn bảo đảm sức khỏe, thực hiện kịp thời công tác khám, điều trị cho bệnh. Cơ sở vật chất, thuốc, vật tư, hóa chất sinh phẩm, phương tiện bảo hộ cá nhân phục vụ cho công tác điều trị bước đầu được bệnh viện đáp ứng tối đa. Bệnh viện luôn xác định, Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 là tuyến cuối, tuyến cao nhất của tỉnh nên luôn động viên đội ngũ cán bộ quyết tâm cao hơn nữa, kịp thời điều trị cho các bệnh nhân bằng cả năng lực, trách nhiệm và tình yêu thương.

Để góp sức cùng tỉnh và bệnh viện đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, bác sĩ Trần Quốc Tuấn đề nghị mọi người không nên chủ quan với COVID-19, tuyệt đối thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K và sớm tiêm vắc xin phòng bệnh; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt và động viên người thân cùng gia đình tự bảo vệ mình, sống khỏe và an toàn trong mùa dịch.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=161534&title=gianh-giat-mang-song-cho-benh-nhan-covid19-nang