Giấc mơ của ba mẹ, nỗi ám ảnh của con

Vào cấp 2, con gái được xếp vào một lớp có nhiều bạn có năng lực học rất khá nhưng anh chị lại muốn xin con chuyển sang một lớp khác. Mặc cho bạn bè nhiều người khuyên nên cho cháu cọ xát trong môi trường có nhiều bạn giỏi để cùng nỗ lực phấn đấu trong học tập nhưng anh chị trước sau như một, xin ban giám hiệu trường chuyển con sang học một lớp bình thường hơn. Câu chuyện về cậu con trai cả xảy ra cách đây vài năm vẫn còn là nỗi ám ảnh của gia đình anh chị cho đến bây giờ.

 Chúng em chăm sóc vườn cây

Chúng em chăm sóc vườn cây

Hồi đó, con trai chị khi vào cấp hai cũng được xếp vào lớp chọn của trường. Lớp học có 35 học sinh. Con chị 5 năm tiểu học xếp loại giỏi nên khi được vào lớp chọn, cả nhà rất hãnh diện và tự hào về thành tích bước đầu của con mình. Như bao người khác, anh chị nghĩ rằng đó chính là môi trường tốt để con mình phấn đấu học hành, đạt được mục tiêu cấp 3 thi đỗ vào trường chuyên như ba mẹ định hướng. Vậy nhưng lớp học năm đó của con trai chị quá nhiều bạn xuất sắc và học đều ở tất cả các môn. Học kì đầu của năm lớp 6, con chị đã có dấu hiệu đuối sức. Môn học yêu thích nhất của nó là tiếng Anh giờ so ra với các bạn trong lớp không ăn nhập gì vì có bạn đã được ba mẹ cho tham gia thi Ielts. Họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm không giấu được vẻ tự hào khi được chủ nhiệm một lớp mà có đến 80% học sinh giỏi, nhiều bạn giỏi xuất sắc, một tỉ lệ hiếm có từ trước đến nay. Biết vậy, anh chị theo sát việc học của con hơn, cho đi học thêm môn này môn nọ để bồi bổ thêm kiến thức cho bằng bạn bè. Vậy nhưng tâm lí mặc cảm và hụt hẫng ngay khi mới bước chân vào cấp hai khiến cậu con trai của anh chị không thể tập trung học hành. Cứ thế, 4 năm cấp hai, tỉ lệ các bạn khá, trung bình trong lớp cứ đảo vị trí cho nhau chứ không thể vươn lên bằng các bạn học giỏi khác. Vì thể diện, vì sợ chuyển lớp khác con càng tụt hậu hơn nên 4 năm cấp hai của con trai anh chị trôi qua trong nặng nề.

Tốt nghiệp cấp 2, nghe theo lời ba mẹ, con trai anh chị cũng thi vào trường chuyên nhưng không đủ điểm đậu. Không ngờ đó là ngày mà con chị vui nhất trong cuộc đời vì đã thoát khỏi nỗi ám ảnh trường chuyên, lớp chọn. Lên cấp 3, vào học lớp bình thường, tâm lí mặc cảm, tự ti được cởi bỏ, nó vui vẻ, hoạt bản và tự tin hẳn ra. Nhưng với anh chị, khoảng thời gian con thi rớt vào trường chuyên lại là nỗi ám ảnh. Lên cơ quan thấy mọi người bàn tán về chuyện học hành của con là chị lãng tránh; anh cứ vào bữa cơm là kể con anh A, chị B đậu chuyên này chuyên nọ, con mình thì…Thậm chí, thời gian đó chị đâm ra mê tín, cứ đi cúng chỗ này khấn chỗ nọ để cho con mình có thể thi đỗ vào chuyên, nếu không thì cũng phải vào được lớp chọn của một trường cấp 3. Phải rất lâu sau đó, khi con trai chứng minh được mình học đều, chắc các môn học, nhất là các môn xét điểm thi vào đại học thì anh chị mới yên tâm và nguôi ngoai phần nào. So sánh hình ảnh của một cậu bé nhút nhát, rụt rè với hình ảnh một thanh niên năng động, hoạt bát, biết làm chủ việc học hành của mình khiến anh chị vỡ ra rằng giấc mơ của ba mẹ đã đè nặng tâm hồn con mình trong một thời gian dài. Đến nay, nhắc đến khoảng thời gian cấp 2, con chị vẫn còn nguyên sự ám ảnh, không muốn nhắc đến trường, lớp và bạn bè hồi đó. Vậy nên đến lượt con gái, anh chị không muốn đi vào vết xe đổ của anh trai, để cháu được học tập trong một môi trường thoải mái nhất. Sau bài học rút ra từ bản thân mình, chị mới tự tin chia sẻ: Đương nhiên việc phụ huynh chạy đua vào những trường có chất lượng, có danh tiếng cũng là một điều tốt. Nhưng quan trọng nhất, phụ huynh phải biết con mình là ai, đừng quá kì vọng vào con cái, đừng bắt con chạy theo làm đồ trang sức cho mình.

Chuyển sang cấp học khác, mới vào học hè một thời gian ngắn để làm quen với trường lớp, bạn bè, con gái tôi đã về hỏi: Tại sao các bạn đều hỏi con rằng hồi cấp 1 đi thi những gì, có được giải gì không? Khi con trả lời không có giải thì nhiều bạn ồ lên, cười nói: vậy mà cũng học lớp này? Nhưng con tìm hiểu rồi, không phải ai cũng có giải cả, nhiều bạn cũng như con thôi. Tuy tâm lí con khá thoải mái nhưng nghĩ đến câu chuyện của phụ huynh trên, tôi cũng thoáng chút lo lắng. Trên thực tế, khi gửi gắm con cái đến trường, một bộ phận cha mẹ đã đẩy chúng vào cuộc cạnh tranh không hồi kết: Con ai học giỏi nhất, đạt điểm cao nhất, giành được nhiều danh hiệu trong các kì thi nhất. Ba mẹ hỏi con, con lên hỏi lại các bạn. Nhưng phụ huynh lại quên mất điểm số, thứ hạng đạt được hay niềm tự hào của cha mẹ đều không liên quan đến quá trình hay phương pháp học. Có thể bảng điểm đẹp, điểm trung bình môn cao ngất ngưởng là minh chứng cho sự chăm chỉ học hành khổ luyện và là thành quả của việc được đào tạo bài bản. Nhưng vấn đề mấu chốt là cuộc sống đâu chỉ xoay quanh sách vở, học thuật. Do đâu mà gánh nặng điểm số vẫn đeo bám, ám ảnh không chỉ học sinh, mà cả cha mẹ và giáo viên? Chẳng mấy khi phụ huynh thắc mắc xem con mình được dạy gì ở trường mà chỉ quan tâm con xếp thứ mấy, được bao nhiêu điểm, có thành tích nào nổi trội không. Nhiều cha mẹ không chỉ mong con mình giỏi, mà còn phải giỏi hơn bạn bè. Tâm lí đó ảnh hưởng rất lớn đến con trẻ, có em lên lớp đứng giữa đám đông mặc sức chê bạn kém cỏi, không xinh đẹp và thông minh bằng mình. Mong muốn con học hành giỏi giang để ba mẹ được nở mặt nở mày, không sao. Nhưng đẩy con lên một vị trí cao hơn các bạn sẽ khiến con bị xa lánh, cô lập. Chưa kể, việc phải chịu nhiều áp lực từ bố mẹ, thầy cô, điểm số và thành tích… dẫn tới nhiều ảnh hưởng khác nhau cho các em học sinh. Một số em vì áp lực đó mà luôn trong trạng thái mệt mỏi, phải gồng mình lên để chống đỡ và lo lắng, căng thẳng quá mức…

Nuôi dạy con cái là một quá trình. Đối với cha mẹ, trong quá trình đó cần chú ý tới việc giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh để các con vững vàng đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Cha mẹ cũng phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con mình, từ đó động viên, khuyến khích con cái học hành. Đừng vì giấc mơ về một đứa con tài giỏi, hoàn hảo của ba mẹ mà tạo áp lực và nỗi ám ảnh lên chính con cái mình.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141050