Giá vàng châu Á ổn định trên ngưỡng 1.600 USD/ounce
Giá vàng tại thị trường châu Á trong phiên giao dịch 19/2 duy trì ở mức trên 1.600 USD/ounce, giữa bối cảnh giới đầu tư quan ngại về những tác động kinh tế từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Vào lúc 14 giờ 2 phút ngày 19/2 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á được giao dịch ở mức 1.603,20 USD/ounce, sau khi có lúc tăng lên 1.605,26 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.606,50 USD/ounce.
Theo ông Stephen Innes, trưởng chiến lược gia thị trường của AxiCorp, những tác động kinh tế tiềm tàng của dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu đối với vàng.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong ngày 18/2, Trung Quốc ghi nhận thêm 136 ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, so với 98 ca một ngày trước đó. Tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã lên tới con số 2.004. Trong khi đó, số ca nhiễm mới là 1.749 trường hợp, giảm so với con số 1.886 trường hợp trong ngày 17/2. Như vậy, tính đến hết ngày 18/2, tại Trung Quốc có tổng cộng 74.185 ca nhiễm COVID-19.
Trước đó, ngày 18/2, quỹ đầu tư vàng hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust thông báo lượng vàng mà quỹ này nắm giữ đã tăng 0,6% lên 929,84 tấn, mức cao nhất kể từ ngày 11/11/2016.
Bên cạnh đó, đồng USD - cũng được coi là một kênh đầu tư có độ an toàn cao - đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 tháng qua. Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp cuối tháng 1/2020 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến được công bố vào lúc 2 giờ sáng 20/2 (giờ Việt Nam).
Còn trên thị trường các kim loại quý khác, giá palladium tăng 3,9% lên 2.738,02 USD/ounce, giá bạc tiến 0,6% lên 18,27 USD/ounce và giá bạch kim tăng 0,6% lên 998,04 USD/ounce.
Trong khi đó, vào lúc 16 giờ 47 phút ngày 19/2, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 44,70-45,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu đi lên
Trong phiên giao dịch 19/2, giá dầu tăng tại thị trường châu Á, với giá dầu Brent ghi nhận phiên tăng thứ bảy liên tiếp, giữa lúc giới đầu tư lạc quan hơn khi số ca nhiễm mới dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tại Trung Quốc giảm ngày thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, những lo ngại về nguồn cung lại dấy lên khi Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng sức ép nhằm giảm bớt lượng dầu thô của Venezuela giao dịch trên thị trường quốc tế.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 55 xu Mỹ (1,1%), lên 52,6 USD/thùng. Còn giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tăng 51 xu Mỹ (0,9%), lên 58,26 USD/thùng.
Giá dầu Brent đã tăng gần 10% kể từ tuần trước, khi giá dầu này giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm nay. Đà tăng của giá dầu thời gian gần đây phần nào được hỗ trợ bởi quyết định của Mỹ về việc trừng phạt Rosneft Trading SA, công ty con của tập đoàn dầu mỏ nhà nước Rosneft (Nga).
Bên cạnh đó, giá “vàng đen” còn được hỗ trợ bởi kỳ vọng vào khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+, sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng mạnh hơn nhằm thúc đẩy giá dầu, đồng thời đưa ra các biện pháp ứng phó với tác động của dịch COVID-19 đối với nhu cầu dầu toàn cầu tại cuộc họp vào tháng tới.
Tuy nhiên, Mỹ - quốc gia không tham gia bất kỳ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung nào - lại chứng kiến sản lượng dầu thô gia tăng, chủ yếu là dầu đá phiến. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo, sản lượng dầu đá phiến của nước này sẽ tăng lên mức kỷ lục 9,2 triệu thùng/ ngày vào tháng tới.