Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng cao

Việc Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và áp mức thuế 20% xuất khẩu đối với các loại gạo khác đã ngay lập tức tác động lên thị trường lúa gạo thế giới.

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – Bộ NN&PTNT), trong tuần từ 12/9 - 16/9/2022, giá gạo 5% tấm tại Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam đều tăng.

Động thái áp thuế, tạm dừng xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ đang khiến thị trường gạo Việt Nam sôi động hơn. (Ảnh minh họa: Nguồn Inteternet)

Động thái áp thuế, tạm dừng xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ đang khiến thị trường gạo Việt Nam sôi động hơn. (Ảnh minh họa: Nguồn Inteternet)

Theo đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 430 USD/tấn, tăng 12 USD/tấn so với tuần trước. Giá gạo tăng do mưa lớn gây lũ lụt khiến phí vận chuyển nội địa tăng cao. Dự báo giá gạo Thái Lan sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng từ chính sách của Ấn Độ. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt mức trung bình 389 USD/tấn, tăng 6 USD/tấn so với tuần trước. Giá tăng do ảnh hưởng của chính sách hạn chế xuất khẩu mới của Chính phủ nước này.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam ước tính đạt 405 USD/tấn, tăng 14 USD/tấn so với tuần trước. Do ảnh hưởng từ Ấn Độ, giá gạo của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên.

Việc Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và áp mức thuế 20% xuất khẩu đối với các loại gạo khác là do Chính phủ nước này muốn tăng dự trữ cung nội địa trong bối cảnh mưa ít khiến diện tích và sản lượng năm nay giảm.

Ngoài ra, việc hạn chế xuất khẩu cũng sẽ góp phần khiến giá nội địa giảm xuống, giúp người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, có thể tiếp cận đầy đủ lương thực hơn.

Tuy nhiên, thị trường gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã bị sốc, nhiều thương nhân đã không thể ký kết thêm hợp đồng ngay sau khi chính sách được ban hành. Thậm chí ước tính có khoảng 1 triệu tấn gạo đang bị mắc kẹt ở cảng của nước này do nhà nhập khẩu từ chối trả thêm mức thuế xuất khẩu 20% mới được ban hành.

Nhận định về tác động của việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đến thị trường lúa gạo Việt Nam, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định, Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu gạo khô cơm (cấp thấp, tương tự giống IR50404 của Việt Nam), trong khi Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo dẻo, gạo thơm. Tuy không cùng phân khúc chất lượng, nhưng việc Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo 20% đã phần nào tạo lực đẩy khiến giá gạo Việt Nam tăng lên.

Các doanh nghiệp có thể thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ, trong khi doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn có nhu cầu lớn, nên dự báo giá gạo tấm và phụ phẩm của ngành lúa gạo Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới.

Cũng liên quan đến việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn 6263/VPCP-KTTH ngày 21/9/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Tài chính nghiên cứu thông tin trên để theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân; kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của các bộ.

Thực tế, nguồn cung gạo toàn cầu đối mặt rủi ro do tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở các nước xuất khẩu lớn. Khác với các loại hạt khác, giá gạo đi ngược lại xu hướng tăng giá lương thực trong hai năm qua nhờ mùa vụ bội thu và trữ lượng tồn kho lớn tại các nước xuất khẩu. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á (nơi sản xuất khoảng 90% sản lượng gạo thế giới) có khả năng làm thay đổi xu hướng giá. Thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh đã hạn chế năng suất và chắc chắn làm giảm sản lượng trong năm nay.

Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đang xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại 7 tỉnh, dẫn tới việc sản lượng sản suất gạo nước này có thể bị sụt giảm từ 3-6% trong năm 2022. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, tồn kho toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi dự báo tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ trong giai đoạn 2022-2023 (tỷ lệ hàng tồn kho trên tiêu thụ) chỉ ở mức 34,4% (so với mức trung bình 36,6% của giai đoạn 2018-2022).

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong năm 2022/2023 do giảm năng suất. Bên cạnh đó, đã xuất hiện sự gia tăng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực từ khi những tranh chấp địa chính trị gần đây xảy ra. Có thể kể đến các lệnh cấm xuất khẩu lương thực bao gồm lúa mì và đường từ Ấn Độ, dầu cọ từ Indonesia. Các nước nhập khẩu thực phẩm như Philippines đang cố gắng tăng lượng tồn kho dự trữ. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng gạo có thể chịu áp lực tăng giá thêm nữa trong thời gian tới.

Hà Ly

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/gia-gao-xuat-khau-cua-viet-nam-co-xu-huong-tang-cao-71474.html