EU muốn loại bỏ than đá của Nga

Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét cấm nhập khẩu than đá của Nga. Sau than đá, dầu thô và khí đốt có thể trở thành mục tiêu tiếp theo.

Theo CNN, giới chức châu Âu đang có kế hoạch dần loại bỏ hoạt động nhập khẩu than của Nga sau sự kiện nhiều dân thường thiệt mạng ở Bucha, ngoại ô Kyiv.

Hôm 5/4, EC đề xuất lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga trị giá 4,3 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ và sản xuất nhập khẩu trị giá 10,9 tỷ USD của Nga cũng trở thành một trong những mục tiêu mới.

Đòn trừng phạt nhạy cảm

Đây là gói trừng phạt thứ 5 được châu Âu công bố kể từ thời điểm Tổng thống Vladimir Putin tiến hành các chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2.

Bên cạnh đó, Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen cũng khẳng định đây không phải gói trừng phạt cuối cùng áp đặt lên Nga. Ngoài than, EU còn đang xem xét siết chặt hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.

Thông tin chi tiết về gói trừng phạt mới có thể sớm xuất hiện. Tuy nhiên, việc thông qua sẽ vẫn cần sự chấp thuận của 27 quốc gia thành viên.

 Châu Âu là khách hàng mua than hàng đầu của Nga. Ảnh: Reuters.

Châu Âu là khách hàng mua than hàng đầu của Nga. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2020, Nga là nước xuất khẩu than lớn thứ 3 trên thế giới, sau Australia và Indonesia.

Đáng nói, châu Âu là khách hàng nhập than lớn nhất của Nga. Cũng trong năm đó, khối này nhập khẩu khoảng 57 triệu tấn than cứng từ Nga và nhập 31 triệu tấn từ Trung Quốc, chiếm một nửa lượng than tiêu thụ toàn khu vực.

Vài năm trở lại đây, EU đã cố gắng quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm. Tổ chức tư vấn năng lượng Ember cho biết lượng điện được sản xuất từ than đã giảm 29% trong giai đoạn 2017-2019.

Bất chấp các đợt tăng giá ngắn ngủi, IEA dự đoán nhu cầu về than của châu Âu sẽ tiếp tục đà sụt giảm. Dự kiến, tổng nhập khẩu có thể giảm 6% vào năm 2024.

Song, nguồn cung than của Nga có thể chuyển hướng sang những quốc gia khác. IEA cho biết lượng nhập khẩu than của Ấn Độ có thể tăng 4% vào năm 2024 và hơn 6% đối với khu vực Đông Nam Á.

Hồi tháng 12, hoạt động xuất khẩu than của Nga được hưởng lợi trong bối cảnh Trung Quốc và Australia đối đầu thương mại.

Gián đoạn nguồn cung

Những quốc gia vẫn còn sử dụng điện than như Đức và Ba Lan sẽ là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng từ tình trạng khan hiếm nguồn cung. Nguồn cung sụt giảm đi kèm nhu cầu phục hồi hậu đại dịch tại Trung Quốc đã đẩy giá than toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 10/2021.

Dữ liệu từ Independent Commodity Intelligence Services cho thấy hợp đồng than tương lai Rotterdam, giá chuẩn cho giá than châu Âu, đóng cửa ở mức 257 USD tấn hôm 4/4 và được giao dịch lần cuối ở mức 295 USD.

Matthew Jones - nhà phân tích năng lượng của EU tại ICIS - tin rằng lệnh cấm than sẽ khiến tình hình nguồn cung vốn đã hạn chế của châu Âu trở nên chặt chẽ hơn, dẫn đến tình trạng tranh giành nguồn cung thay thế.

 Giá than tiếp tục tăng cao. Ảnh: CNN.

Giá than tiếp tục tăng cao. Ảnh: CNN.

Song, Henning Gloystein - Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group - cho rằng các quốc gia EU có thể chịu được cú sốc. Bên cạnh đó, tình hình có thể cải thiện nếu EU đẩy mạnh nhập khẩu than từ Australia.

“Việc đánh vào than nhập khẩu từ Nga sẽ khiến cuộc sống của người dân châu Âu trở nên khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, các công ty năng lượng có thể đối phó với điều này”, vị chuyên gia nhận định.

Nguồn cung dầu và khí đốt có thể là mục tiêu trừng phạt tiếp theo của châu Âu. Theo Eurostat, trong năm 2020, lượng dầu thô và khí đốt nhập khẩu từ Nga của châu Âu lần lượt đạt 26% và 46%.

Trước mắt, để hạ nhiệt giá nhiên liệu, Mỹ đang xả ra thị trường 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược. IEA cùng các nước thành viên cũng nhất trí xả thêm dầu dự trữ trong một cuộc họp khẩn vào tuần trước.

Trong số 3 nguồn năng lượng, khả năng trừng phạt khí đốt của Nga là thấp nhất. Hiện giới chức EU đã cam kết giảm tiêu thụ khí đốt từ Nga tới 66% trước cuối năm nay và hoàn toàn không phụ thuộc năng lượng cho đến năm 2027.

Nhưng, Gloystein cho rằng việc nhắm mục tiêu vào dầu khí của Nga có nguy cơ phản tác dụng.

“Những hành động như vậy sẽ thúc đẩy sự leo thang của Nga. Tổng thống Vladimir Putin có thể cảm thấy buộc phải hành động quyết liệt và nhanh chóng hơn khi kho dữ trữ chiến tranh dần cạn kiệt”, ông nói.

Ngọc Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/eu-muon-loai-bo-than-da-cua-nga-post1308076.html