ESG không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu

Chiều nay, Diễn đàn ESG Việt Nam chính thức ra mắt. Đây là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chiều nay (22/5), Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam do Báo Dân trí tổ chức đã diễn ra. Trong khuôn khổ lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam, Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam cũng chính thức ra mắt.

Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập Báo Dân trí khẳng định, Diễn đàn ESG Việt Nam ra mắt thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư đối với việc xây dựng một tương lai xanh, an toàn và thịnh vượng cho thế hệ mai sau.

ESG - viết tắt của Môi trường, Xã hội và Quản trị - không chỉ là xu hướng trong hoạt động kinh doanh trên toàn cầu, mà còn là đòi hỏi tất yếu. Các doanh nghiệp áp dụng thành công nguyên tắc ESG không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội, mà còn góp phần nâng cao uy tín, hiệu quả hoạt động, thu hút đầu tư và gia tăng giá trị thương hiệu

Tại Việt Nam, ESG đang ngày càng nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để thúc đẩy việc áp dụng ESG hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu của thời đại, là mục tiêu chung của cả cộng đồng quốc tế. Việt Nam, với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh COP26, cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, việc phát triển ESG đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội.

Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội có mối quan hệ mật thiết với ESG. Việc thực hiện tốt các chính sách về lao động, thương binh và xã hội sẽ góp phần tạo dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Ngược lại, phát triển kinh tế bền vững cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và cải thiện đời sống xã hội.

"Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển ESG trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Ngân hàng cũng là một trong những ngành tích cực phát triển ESG hiện nay. Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Thời gian qua, trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.

Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

T.L

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/esg-khong-chi-la-xu-huong-ma-con-la-yeu-cau-tat-yeu-d215808.html