Đứt gãy chuỗi cung ứng đón khách quốc tế
Chuỗi cung ứng dịch vụ phục vụ các tour inbound (đưa khách nước ngoài vào Việt Nam) bị đứt gãy sau thời gian dịch kéo dài. Khó khăn này trở thành vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh mảng inbound đang kiện toàn lại bộ máy, làm việc với những đối tác trong nước để chính thức đón khách quốc tế trở lại.
Hướng dẫn viên làm đủ nghề, chờ trở lại
Thiếu hướng dẫn viên là vấn đề nhiều chuyên gia đặt ra khi mở cửa du lịch hoàn toàn. Theo thống kê từ Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cả nước có hơn 15.500 hướng dẫn viên du lịch quốc tế (đủ tiêu chuẩn đón khách inbound lẫn đưa khách ra nước ngoài). Tuy nhiên, từ năm 2020, số nhân lực này gần như rơi vào cảnh mất việc.
Một số đã thử lấn sân sang mảng khách nội địa. Tuy nhiên, đa số cho biết "sân chơi" này có tính cạnh tranh quá cao, cung vượt cầu. Các đầu tour nội địa không nhiều do ảnh hưởng của dịch. Do đó, ngay cả hướng dẫn viên nội địa cũng thiếu việc. Để các hướng dẫn viên du lịch quốc tế chen chân vào thị trường này là điều rất khó khăn.
Một yếu tố khác là vấn đề văn hóa và cường độ công việc. Nhiều hướng dẫn viên du lịch quốc tế nói họ thích làm việc cùng khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là du khách phương Tây hơn. Ngoài ra, cường độ làm việc của hướng dẫn viên nội địa cũng khá "căng" do khách thường đi sớm, về muộn. Trong khi đó, tour quốc tế thường khá nhẹ nhàng.
Thời gian đầu, tôi nghĩ mình cần duy trì song song 2 việc để đảm bảo thu nhập do lượng khách không cao.
Nguyễn Thế Trường - Hướng dẫn viên du lịch quốc tế
Chia sẻ với Zing, Nguyễn Thế Trường - hướng dẫn viên du lịch quốc tế có kinh nghiệm hơn 20 năm - cho biết mình gần như mất sạch thu nhập vì khách inbound không còn. Để duy trì cuộc sống, anh Trường đã chuyển sang nghề lái taxi công nghệ.
"Ít ra, làm taxi công nghệ được chạy xe đi tỉnh. Tôi không chịu nổi những công việc văn phòng. Nếu được dẫn tour quốc tế trở lại, tôi sẵn sàng quay về công việc cũ. Tuy nhiên, thời gian đầu, tôi nghĩ mình cần duy trì song song 2 việc để đảm bảo thu nhập do lượng khách không cao", anh Trường chia sẻ.
Không như anh Trường, anh Nguyễn Viết Duẩn - hướng dẫn viên quốc tế chuyên đoàn nói tiếng Hoa - cho biết vẫn khá mông lung trong việc trở lại làm nghề. So với các nước nói tiếng Anh, Trung Quốc - nhóm khách chính của anh Duẩn - vẫn gặp khó trong việc đi du lịch. Lý do là quốc gia tỷ dân vẫn đang theo đuổi chính sách "Zero Covid". Anh cũng không chắc bao giờ mình có thể trở lại dù rất muốn.
Chia sẻ với Zing, anh Duẩn cho biết mình đã đổi một số nghề từ khi nghỉ việc hướng dẫn viên. Tuy nhiên, công việc khá nặng, lương thấp, không đủ tiền thuê người chăm con nên anh nghỉ ở nhà để tiện trông con nhỏ.
Nhà hàng đóng cửa
Theo tìm hiểu của Zing, không ít chủ nhà hàng chuyên phục vụ khách inbound đã tạm đóng cửa do thời gian dịch kéo dài quá lâu. Yin & Yang (Hà Nội) từng là một nhà hàng chuyên đón khách inbound và nhận được đánh giá khá cao trên những website du lịch quốc tế. Hiện nay, nhà hàng đã đóng cửa được 2 năm.
Ông Lê Trường Lâm, chủ nhà hàng, cho biết giá thuê mặt bằng quá cao trong khi lượng khách không đủ, chủ nhà không hỗ trợ nên việc tạm dừng là khó tránh. Được biết, giá mặt bằng khoảng 2.500 USD/tháng. Một số nhà hàng khu vực phố cổ, vị trí tốt có thể lên đến 4.000 USD/tháng.
Trong 2 năm xa rời việc kinh doanh nhà hàng, ông Lâm cũng xoay sở bằng các nguồn đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Đại diện Yin & Yang cho biết mình vẫn sẵn sàng hoạt động trở lại nhưng cũng cần thận trọng đánh giá tình hình khách quốc tế.
"Tôi cần xem xét lượng khách quốc tế đến Việt Nam có thực sự khả quan không. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam sau 2 năm cũng có nhiều điểm khác. Ví dụ sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đã khai thác các chuyến bay quốc tế, sẽ có một lượng khách đi thẳng tới Hạ Long, tham quan vịnh mà không qua Hà Nội nữa. Hiện nay, tôi đánh giá khách du lịch có xu hướng đi ít hơn, tránh di chuyển nhiều", ông Lâm nói.
Hiện nay, tôi đánh giá khách du lịch có xu hướng đi ít hơn, tránh di chuyển nhiều.
Ông Lê Trường Lâm - Chủ nhà hàng Yin & Yang
Đại diện nhà hàng này cho biết cũng từng gắng gượng đón khách nội địa nhưng kết quả không khả quan. Trước kia, nhà hàng của ông Lâm có thể đón khoảng 100 khách quốc tế mỗi ngày. Tuy nhiên, với các đoàn khách nội địa, con số này giảm xuống chỉ còn 20-30 khách.
Một trường hợp khác là nhà hàng Dương (Hà Nội). Ông Hoàng Văn Dương, chủ nhà hàng, cho biết đã chuyển qua kinh doanh thực phẩm từ năm 2020. Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực từ Chính phủ về việc mở cửa du lịch, ông Dương nói có thể mở lại từ tháng 5 hoặc tháng 6.
Đa số nhà hàng đều xác nhận chưa nhận được đề nghị hợp tác lại từ các công ty lữ hành. Nhân sự của các công ty hiện cũng đang xáo trộn. Do đó, các công ty hiện chỉ rục rịch hoạt động lại nên chưa tính nhiều tới việc ký hợp đồng đón khách với các nhà hàng.
Nhà xe sẵn sàng
Trước thông tin khách quốc tế trở lại, các nhà xe cũng nghe ngóng tình hình để bắt nhịp lại công việc. Theo tìm hiểu của phóng viên, tình hình của các nhà xe du lịch chỉ chuyên tour inbound khá "bi đát" 2 năm qua.
Một số bên phải bán đi khoảng 70% xe để duy trì bởi đa số bãi xe 45, 29 hay 16 chỗ đều là ngoài trời. Lượng khách quốc tế ít ỏi khiến xe sẽ phải bỏ xó nếu không bán đi. Điều này khiến xe xuống cấp, hỏng hóc vì không được sử dụng.
Với khoảng 30% xe còn lại so với thời "đỉnh" năm 2019, ông Nguyễn Tiến Chung, Phó Giám đốc nhà xe Xuân Phong, cho biết vẫn đủ để phục vụ khách quốc tế khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch do lượng khách ban đầu sẽ chỉ "nhỏ giọt". Việc tái đầu tư, mua thêm xe phải cần tính toán dựa trên tình hình khách thực tế.
H.V., một công ty chuyên cho thuê xe dịch vụ tại Hà Nội, vẫn sống tốt 2 năm qua do chủ yếu phục vụ xe đưa đón cán bộ nhân viên tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đại diện công ty này cho biết vào mùa du lịch, lượng thuê xe cho đoàn inbound có thể chiếm tới 20% tổng lượng đặt xe. Vì vậy, đây vẫn là thị trường quan trọng và đáng mong chờ khi du lịch quốc tế phục hồi.
"Doanh thu thuê xe tour, xe du lịch luôn chiếm tỷ trọng lớn vào mùa cao điểm. Do đó, việc mở cửa du lịch toàn diện là vấn đề được công ty đặc biệt quan tâm", Hoàng Vũ, đại diện công ty, nói.
Theo ông Vũ, tiêu chuẩn xe của các đoàn khách quốc tế thường cao hơn về dòng xe, đời xe cũng như chất lượng xe do thời gian sử dụng dài hơn (thường tính bằng năm). Trong khi đó, khách lẻ, khách vãng lai, nội địa thường quan tâm giá thành, lịch chạy. Do đó, nếu giá thành hợp lý, chất lượng xe vẫn du di được.
Nhìn chung, các nhà xe đánh giá việc khởi động lại chuỗi cung ứng xe với các tour inbound không gặp nhiều vấn đề so với khách sạn. Do đó, "mắt xích" này hứa hẹn hoạt động lại trơn tru, miễn là có khách.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dut-gay-chuoi-cung-ung-don-khach-quoc-te-post1295443.html