Dùng chó nghiệp vụ xua đuổi voọc có khả thi?

Nhiều người cho rằng tiếng sủa của chó becgie khiến voọc phải quay lại rừng. Tuy nhiên, chuyên gia huấn luyện chó nghiệp vụ nhận định cách xua đuổi này không mang lại hiệu quả.

Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, vừa đề nghị lực lượng biên phòng sử dụng chó nghiệp vụ để xua đuổi đàn voọc gáy trắng tấn công người. Lãnh đạo địa phương cho biết đề xuất này dựa trên ý kiến chuyên gia.

Tuy nhiên, cán bộ huấn luyện chó nghiệp vụ lại nhận định việc này không khả thi, thậm chí gây nguy hiểm cho loài động vật quý hiếm.

Vừa đẩy đuổi, vừa bảo vệ

Trao đổi với Zing, ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết huyện đang chờ phản hồi từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Trị về đề nghị trên.

Hình ảnh voọc xuống đường tấn công người. Ảnh: Cắt từ clip.

“Nhiều biện pháp xua đuổi đàn voọc như tập trung đông người rồi đánh chiêng, trống và thu âm tiếng chó sủa để phát loa nhưng chưa hiệu quả. Từ ý kiến chuyên gia nói về đặc tính loài voọc rất sợ chó nên huyện mới làm văn bản đề xuất dùng chó nghiệp vụ để vừa xua đuổi, vừa bảo vệ đàn voọc”, ông Thuận nói.

Hồi đầu tháng 8, thôn Cha Lỳ và Sê Pu thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa xuất hiện khoảng 4 con voọc gáy trắng.

Đàn voọc này thường xuyên xuống ven đường liên thôn và đường Hồ Chí Minh rồi đuổi cắn người dân bị thương. Chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo và túc trực để người dân hạn chế qua lại khu vực để đảm bảo an toàn.

Đây là lần đầu tiên đàn voọc xuất hiện gần khu dân cư. Lãnh đạo địa phương hy vọng việc sử dụng chó sẽ giúp đẩy đuổi đàn voọc vào rừng, qua đó góp phần bảo vệ loài động vật quý hiếm này.

Không khả thi

Về đề xuất dùng chó nghiệp vụ đuổi voọc vào rừng, đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết đơn vị đang thảo luận với chuyên gia và trao đổi với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để có hướng xử lý phù hợp.

“Voọc là loài quý hiếm, chuyên gia cũng nhận định loài này rất manh động, nhất là mùa sinh sản. Trong khi chó nghiệp vụ phục vụ chiến đấu cũng rất mạnh mẽ nên nếu không cẩn thận thì chó và voọc sẽ xung đột, cắn nhau khi giáp mặt. Điều này sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn động vật hoang dã”, đại tá Phương nói với Zing.

Đàn voọc xuống đường, tấn công người dân qua đường. Ảnh: Đ.N.

Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị cho rằng cần đánh giá, xem xét lại phương án sử dụng chó có khả thi, hay sẽ gây nguy hiểm hơn cho loài voọc. Nhiều người nhận định voọc sợ chó nhưng thực tế loài này leo trên cây, núi đá, ít khi xuống đất. Nếu chỉ dùng tiếng chó sủa thì tính khả thi không cao.

Từng có 30 năm làm công tác chỉ huy huấn luyện chó nghiệp vụ, trung tá Đỗ Phi Long, Phó đại đội trưởng Đội cơ động, đặc nhiệm của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, nhận định việc dùng chó nghiệp vụ để đuổi đàn voọc là khó khả thi, thiếu hợp lý.

“Chó nghiệp vụ được huấn luyện đánh hơi, truy tìm, chiến đấu trấn áp tội phạm trong các vụ án. Việc sử dụng chúng để đuổi đàn voọc là thiếu hợp lý, không khả thi vì chó khi đã giáp mặt sẽ càng gây nguy hiểm cho đàn voọc”, trung tá Long lý giải.

Lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo, túc trực khu vực voọc xuất hiện. Ảnh: Đ.N.

Theo ông Long, chó nghiệp vụ chủ yếu là giống becgie Đức, Bỉ. Giống chó này khôn ngoan, biết nghe lời, không hung hãn nhưng rất mạnh mẽ.

Trong trường hợp sử dụng chó vào việc đuổi voọc thì cần xem xét có đeo rọ mõm không? Nếu đeo, tiếng sủa sẽ hạn chế, chó chỉ có thể đuổi, vờn với voọc nên sẽ gây nguy hiểm cho chó khi voọc tấn công lại. Còn khi có hiệu lệnh chiến đấu, chó đã tháo rọ mõm thì voọc có thể bị cắn chết.

Anh Lê Công Hà, một người huấn luyện dòng chó bảo vệ ở Hà Tĩnh, cũng nói rằng voọc là loài rất kỵ với chó nhưng với phương án sử dụng chó đuổi voọc sẽ chỉ khả thi nếu chúng giáp mặt.

“Có thể lúc voọc gặp chó ở cự ly gần, cùng dưới mặt đất chúng sẽ sợ hãi, bỏ chạy vì tiếng sủa và ánh mắt của chó. Tuy nhiên, nếu để chó tấn công sẽ khiến đàn voọc còn nguy hiểm hơn”, anh cho hay.

Phạm Trường - Hoàng Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-cho-nghiep-vu-xua-duoi-vooc-co-kha-thi-post1125457.html