Đức quay lưng với năng lượng hạt nhân trong chuyển đổi xanh

Đức mới đây tuyên bố sẽ ngừng hoạt động 3 lò phản ứng hạt nhân cuối cùng vào ngày 15/4 tới và khẳng định nước này sẽ thành công trong quá trình chuyển đổi xanh mà không cần tới nguồn năng lượng này. Đây được xem là một động thái kiên quyết của chính phủ Đức bất chấp khủng hoảng năng lượng do tác động của xung đột Ukraine.

Trong khi nhiều nước phương Tây đang thúc đẩy năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, nền kinh tế lớn nhất châu Âu lại kiên quyết theo đuổi kế hoạch chấm dứt năng lượng hạt nhân.

Theo kế hoạch ban đầu, 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức, là Neckarwestheim 2, Isar 2 và Emsland, đóng cửa vào ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, trước sự phản đối của dư luận, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đồng ý kéo dài tuổi thọ của các nhà máy này đến ngày 15/4/2023. Từ năm 2002, Đức đã tìm cách loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Đến năm 2011, dưới thời chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel, kế hoạch này được thúc đẩy sau khi xảy ra sự cố hạt nhân ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản. Vào thời điểm đó, bà Merkel cho rằng không thể kiểm soát một cách an toàn những rủi ro từ năng lượng hạt nhân.

BẤT ĐỒNG TRONG EU VỀ CÁC MỤC TIÊU NĂNG LƯỢNG

Việc bất đồng ý kiến trong nội bộ các nước thuộc Liên minh châu Âu về việc “dán nhãn xanh” cho năng lượng hạt nhân đã tồn tại từ lâu. Trong cuộc họp gần đây nhất tại Brussel, Bỉ, các Bộ trưởng Năng lượng vẫn chưa thể nhất trí về việc có công nhận năng lượng hạt nhân trong các mục tiêu năng lượng tái tạo của EU hay không. Pháp, một trong những quốc gia ủng hộ năng lượng hạt nhân, từ lâu đã đặt năng lượng này là trọng tâm trong nỗ lực đạt mục tiêu trung hòa carbon của đất nước vào năm 2050.

Ở phía ngược lại, Áo, Đức và Tây Ban Nha lại cho rằng việc dán nhãn xanh cho năng lượng hạt nhân sẽ làm xao nhãng nỗ lực mở rộng năng lượng gió và điện mặt trời.

Năm 2022, năng lượng hạt nhân tại Đức đáp ứng 6% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Đức, trong khi năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng 46%. Giới chuyên gia cho rằng với tốc độ thúc đẩy năng lượng tái tạo hiện tại, Đức khó có thể đạt được mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng xanh, và kế hoạch đưa các nhà máy hạt nhân cuối cùng ra khỏi lưới điện là quá sớm.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thực hiện : Ngọc Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/duc-quay-lung-voi-nang-luong-hat-nhan-trong-chuyen-doi-xanh