Dựa vào khoa học và công nghệ để tăng tốc phát triển
Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 tấn công mạnh mẽ, sâu rộng và đa chiều vào toàn diện nền KT-XH của quốc gia và từng địa phương. Tham gia cuộc cách mạng này, khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) trở thành các yếu tố quan trọng mang tính quyết định đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, mang lại thành quả vượt trội trên tất cả các lĩnh vực. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đối với Quảng Trị, cùng cả nước đột phá bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng, tỉnh coi trọng công tác phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS là nhiệm vụ hàng đầu để tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển nền KT-XH trong thời kỳ mới.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Ngọc Lân trao giải Nhì cho các tác giả có dự án tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2024 - Ảnh: V.T.H
KH&CN đóng vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, do đó, tỉnh Quảng Trị đã không ngừng đầu tư nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Trên lĩnh vực kinh tế, ứng dụng KH&CN là động lực chính để tăng trưởng. Nhiều thành tựu KH&CN được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, QP-AN...
Tiềm lực KH&CN được tỉnh tăng cường, đồng thời xã hội hóa trong đầu tư cho KH&CN có nhiều chuyển biến. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực KH&CN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hoạt động xúc tiến, hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.
Hiện nay, tình hình thế giới được đang tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, công nghệ số trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.
Cùng với cả nước, tỉnh đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KH&CN, xác lập một phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại - phương thức sản xuất số. Sở KH&CN đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS trên địa bàn tỉnh, từng bước khẳng định vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh.
Tiềm lực, trình độ KH&CN của tỉnh ngày càng được nâng cao trên tất cả các lĩnh vực: nhân lực, nguồn lực thông tin, đầu tư tài chính, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học, cơ chế, chính sách, các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ... Các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS trên địa bàn tỉnh được xây dựng, hoàn thiện với nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp đã tạo động lực cho KH&CN, ĐMST và CĐS bứt phá, tạo môi trường thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh.
Công tác triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 và CĐS được tập trung thực hiện có hiệu quả. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên các ngành, lĩnh vực được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN đã được đổi mới căn bản, toàn diện. Số lượng đề tài, dự án nghiên cứu thành công được nhân rộng phục vụ sản xuất và đời sống ngày càng tăng. Ứng dụng công nghệ cao trong chế biến sâu các sản phẩm đặc sản tỉnh Quảng Trị đem lại kết quả nổi bật, nhiều sản phẩm KH&CN đã được thương mại hóa.
Công tác hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng, chuyển giao các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, thiết thực hỗ trợ nhiều doanh nghiệp bứt phá vươn lên tiếp cận thành tựu KH&CN tiên tiến; đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng, gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
Công tác phát triển thị trường KH&CN và doanh nghiệp KH&CN đã có chuyển biến tích cực, không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp kết nối nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Số lượng các dự án đầu tư được thẩm định và tham gia ý kiến về công nghệ tăng vượt bậc. Công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm truyền thống của tỉnh có những bước tiến.
Công tác quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm của tỉnh sau khi bảo hộ được chú trọng. Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển các dịch vụ thử nghiệm, kiểm định... tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc được duy trì, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng, tạo thuận lợi để thương mại hóa sản phẩm. Công tác kiểm tra, thanh tra về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong đo lường, chất lượng, góp phần vào việc ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến KH&CN được nâng lên; nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đổi mới và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần phát triển KT - XH của tỉnh.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhiệm vụ phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS của tỉnh chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nhận thức về vị trí, vai trò của KH&CN, ĐMST và CĐS được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trở thành nền tảng, động lực cho phát triển KT-XH của tỉnh; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, ĐMST tạo chưa tạo được sự đột phá, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN còn ít, một số nhiệm vụ thực hiện đạt kết quả vẫn chưa cao...
Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh chưa hình thành đầy đủ. Mức độ tiếp nhận và làm chủ công nghệ của hầu hết tổ chức, cá nhân còn hạn chế; yếu tố kỹ thuật, kỹ năng công nghệ, kỹ năng khởi nghiệp ĐMST của nguồn nhân lực thấp. Thị trường KH&CN của tỉnh chưa hình thành đầy đủ để phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Thiếu sự kết nối giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Để thực sự vươn mình, phát triển nhanh chóng, bền vững hơn nữa, tỉnh tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng tạo động lực, nền tảng mới cho phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS, đổi mới phương thức quản trị, phát triển KT-XH. Cùng với đó, đổi mới tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nâng cao vai trò KH&CN, ĐMST và CĐS trong phát triển nền KT-XH, QP-AN của tỉnh bền vững.