Đưa nhân sâm đến với mọi nhà

Thị trường thực phẩm chế biến từ sâm nói riêng và dược liệu nói chung có sức hấp dẫn lớn khi khả năng chi trả cho sản phẩm hỗ trợ sức khỏe của người tiêu dùng tăng

Những năm gần đây, Tổng Lãnh sự quán Mỹ liên tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đối với mặt hàng nông sản, trong đó có nhân sâm. Tính đến nay, Việt Nam có 4 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu sâm Mỹ dưới dạng sản phẩm chế biến và nguyên liệu với sản lượng ngày càng tăng.

Đưa sâm vào ẩm thực

Theo bà Đặng Trần Cẩm Vân, chủ nhà hàng Le Chef (TP HCM), người Việt hiện nay không chỉ có nhu cầu ăn ngon mà còn ăn để phục vụ sức khỏe. Do đó, Le Chef đã phát triển hàng loạt sản phẩm kết hợp sử dụng nhân sâm như phở, kẹo dừa, cà phê, nước uống... với kỳ vọng doanh số tăng 10%-15%/năm.

Tại Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP HCM do UBND TP HCM chủ trì, Sở Ngoại vụ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM tổ chức từ ngày 24 đến 26-5 tại đường Lê Lợi (quận 1), nhiều món ngon chế biến từ sâm và dược liệu sẽ được giới thiệu. Trong đó, độc đáo nhất phải kể đến món bánh xèo phối sâm.

Bà Nguyễn Ánh Mỹ Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP HCM, thông tin chương trình giao lưu món ngon quốc tế trong khuôn khổ lễ hội này sẽ diễn ra vào ngày 25-5 với 30 đội thi. Các đội thi sử dụng nguyên liệu sâm Ngọc Linh và sâm Bố Chính để chế biến món ăn, thức uống.

Theo TS Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM, việc đưa các loại sâm vào ẩm thực không gây thất thoát dưỡng chất, người dùng hoàn toàn có thể hấp thu dưỡng chất trong sâm thông qua các món ăn.

"Sâm Ngọc Linh được xếp vào 1 trong 4 loài sâm quý hiếm hàng đầu thế giới với hàm lượng saponin cao. Những công dụng chính của sâm Ngọc Linh đã được chứng minh là tăng cường sinh lực, chống ung thư, chống căng thẳng, trầm cảm. Do đó, cần đầu tư công nghệ để tăng sản lượng, hạ giá thành cũng như chế biến nhiều sản phẩm phù hợp với đa số người tiêu dùng" - bà Loan gợi ý.

Các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh của doanh nghiệp TP HCM trưng bày tại một triển lãm diễn ra đầu năm 2024

Các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh của doanh nghiệp TP HCM trưng bày tại một triển lãm diễn ra đầu năm 2024

Tập trung chế biến sâu

Theo Quyết định 611/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, cả nước phấn đấu đạt 21.000 ha diện tích trồng sâm vào năm 2030. Các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp nuôi trồng, phát triển sâm là Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, tập trung phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Ông Lê Trường Duy - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị quốc tế (FSC) thuộc Sở Ngoại vụ TP HCM, tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP HCM - cho hay TP HCM tuy không phải là vùng trồng sâm và dược liệu nhưng lại là nơi tập trung nhiều DN đầu tư, chế biến và cũng là thị trường tiêu thụ lớn. Do đó, Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP HCM quy tụ sự tham gia của 13 đoàn khách quốc tế, 135 DN trong lĩnh vực này - trong đó có 32 DN nước ngoài.

Cũng theo ông Duy, Việt Nam có nhiều loại sâm, dược liệu có chất lượng tốt nhưng còn yếu về mặt thương hiệu nên cần tăng cường giao lưu, học hỏi để cùng phát triển ngành hàng, thay vì cạnh tranh với các loại sâm trên thế giới.

Ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, cho biết địa phương có 2.400 ha trồng sâm Ngọc Linh. Tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp bảo vệ thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm, ngăn chặn xâm phạm sở hữu trí tuệ, mua bán sâm Ngọc Linh giả. "Chúng tôi đang kết nối với các nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu để chế biến nhiều sản phẩm giá trị cao từ sâm Ngọc Linh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân, HTX và DN" - ông Liêm thông tin.

Theo ông Lương Trọng Khoa, người sáng lập Công ty CP Sâm Việt Nam Vinapanax (Vinapanax), việc chế biến, sử dụng sâm Ngọc Linh thời gian qua chủ yếu theo phương thức truyền thống là cắt lát, dùng trực tiếp hoặc pha trà, ngâm rượu, ngâm mật ong..., chưa nhiều DN ứng dụng công nghệ cao. Hình thức tiêu thụ sâm tươi như vậy sẽ dẫn đến khó khăn khi sản lượng tăng theo thời gian, hơn nữa, giá sâm Ngọc Linh tươi hiện rẻ hơn 15%-20% so với 3 năm trước.

Ông Khoa cho biết Vinapanax đã hợp tác với Viện Đào tạo và Phát triển công nghệ hóa dược thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhằm phát triển các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. DN dùng công nghệ sóng siêu âm để chiết xuất toàn bộ tinh chất quý của sâm, tỉ lệ thu hồi bình quân 1 kg tinh chất từ 10 kg nguyên liệu sâm Ngọc Linh tươi trồng từ 6 năm trở lên. Tinh chất thu được sẽ đưa vào nhà máy phối trộn với các nguyên liệu khác như đông trùng hạ thảo, hạt sen, yến sào... để cho ra nhiều sản phẩm khác nhau.

Xuất khẩu sâm Việt

Ông Lê Trường Duy cho hay thời gian qua, các sản phẩm từ sâm Việt Nam đã được đưa ra nước ngoài để phục vụ cộng đồng người Việt nhưng số lượng còn nhỏ. Các DN chế biến sâm Ngọc Linh đang tích cực chuẩn bị để xuất khẩu sản phẩm chính ngạch sang những thị trường tiềm năng.

Theo ông Lương Trọng Khoa, Vinapanax chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch lô sâm Ngọc Linh đầu tiên dưới dạng bột hòa tan sang thị trường Mỹ với kỳ vọng xuất được hàng chục ngàn hộp sản phẩm. Đáng chú ý, chiều 25-5, trong khuôn khổ Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP HCM sẽ diễn ra chương trình ký kết đối tác chiến lược giữa Vinapanax và Solife để xuất khẩu sản phẩm từ sâm Ngọc Linh sang thị trường Mỹ và châu Âu.

Bài và ảnh: VƯƠNG NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dua-nhan-sam-den-voi-moi-nha-196240521211917616.htm