Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã bám sát vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 06 nhóm chính sách.

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã bám sát vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 06 nhóm chính sách.

Bộ Tài chính cho biết, việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13.

Đồng thời hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu).

Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước tương xứng với nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế Nhà nước nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã bám sát vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 06 nhóm chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất và được Quốc hội thông qua, cụ thể như sau:

Một là, nhóm chính sách về quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Nội dung chính sách bao gồm: Xác định cụ thể khái niệm vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, nội dung quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chuyên trách), các Bộ, UBND cấp tỉnh và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn khác. Quy định cụ thể thẩm quyền về công tác nhân sự chủ chốt, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phương án cơ cấu lại và phương án phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng; lấy mục tiêu, nhiệm vụ và hiệu quả đầu tư vốn làm tiêu chí đánh giá chủ yếu; Công bố, công khai thông tin, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Hai là, nhóm chính sách về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp. Nội dung chính sách bao gồm: xác định rõ nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp; xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, hình thức và nguyên tắc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp. Việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp được thực hiện thông qua cơ quan đại diện sở hữu vốn theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Xác định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp với mục tiêu phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và có sự giám sát của các cơ quan quản lý các cấp.

Ba là, nhóm chính sách về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Nội dung chính sách bao gồm: xác định cụ thể từng hình thức đầu tư của doanh nghiệp, từ đó quy định rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tương ứng với từng hình thức đầu tư. Xác định vai trò trung tâm và chịu trách nhiệm toàn diện của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trong chỉ đạo và quản lý hoạt động đầu tư của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của doanh nghiệp có vốn góp chi phối của Nhà nước được thực hiện thống nhất theo Luật này với vai trò chủ sở hữu vốn; sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp quyết định đầu tư và triển khai thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan, chịu trách nhiệm về quyết định và hoạt động đầu tư. Quy định rõ các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn, đồng thời hướng dẫn trình tự, thủ tục việc phê duyệt chủ trương khi chuyển nhượng dự án.

Bốn là, nhóm chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Nội dung chính sách bao gồm Luật hóa các nội dung phù hợp, ổn định, cập nhật, bổ sung các nội dung để khắc phục vướng mắc trong thực tế trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước trong thời gian qua; Luật hóa một số nội dung quy định mang tính chất chung nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước, chuyển nhượng vốn Nhà nước. Hướng dẫn rõ thẩm quyền, trình tự thực hiện chuyển nhượng vốn, sắp xếp doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Năm là, nhóm chính sách về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn. Nội dung chính sách bao gồm: Phân công rõ, phân cấp mạnh thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các cơ quan chuyên trách, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quyền, nhiệm vụ sở hữu vốn. Quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện quyền của chủ sở hữu.

Quy định về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu trước hoạt động giám sát của các cơ quan như Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn trong việc giao kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa nguồn lực, bảo toàn vốn, phù hợp với thực tiễn hoạt động, dự báo thị trường và quản lý theo mục tiêu đối với doanh nghiệp.

Sáu là, nhóm chính sách về quản trị doanh nghiệp. Nội dung chính sách bao gồm: Quy định rõ nguyên tắc, quyền và trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch Công ty cũng như của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đảm bảo vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp, việc doanh nghiệp sử dụng vốn theo đúng chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, tách bạch, phân định với chức năng của chủ sở hữu vốn, đồng thời việc đầu tư vốn được thực hiện theo phân cấp quy định tại Luật này.

Thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành trung ương khóa XII một số nội dung mang tính nguyên tắc về chính sách tiền lương đối với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần khác.

Khánh An

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/du-thao-luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-378133.html