Dữ liệu số là mỏ vàng, có thể khai thác bất kỳ lúc nào
Các đại biểu quốc hội cho rằng công tác thống kê phải đi đầu, đặt nền móng cho công tác chuyển đổi số của cả quốc gia.
Chiều 25-10, Quốc hội (QH) đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thống kê. Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) nêu ra hàng loạt bất cập, hạn chế trong công tác thống kê hiện nay như số liệu bất cập, chậm, thiếu chính xác, chưa đảm bảo tính liên tục. Các ĐB cũng đề nghị bổ sung, tách nhập một số chỉ tiêu trong danh mục chỉ tiêu Quốc gia thống kê…
ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐB Hà Nội) nhấn mạnh số liệu thống kê ngày càng trở lên quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Nhất là đợt dịch COVID-19 vừa qua, phải có những số liệu cập nhật hàng ngày, hàng giờ cơ quan phòng chống dịch mới đưa được những quyết sách chính xác.
Ông cho rằng số liệu thống kê hiện nay là nguồn tài nguyên có giá trị, nhiều năm nay các doanh nghiệp đã biết khai thác để phát triển.
Theo đó, ĐB Cường đề nghị phải luật hóa kê khai thông tin thống kê bằng kho tư liệu số. Đây chính là tiền đề chuyển đổi số quốc gia, điều kiện tiên quyết để chuyển đổi kinh tế số. Theo đó bất cứ sự thay đổi dữ liệu nào đều được cập nhật ngay vào kho tư liệu số này, bằng cách kết nối số hóa giữa các ngành, các lĩnh vực thay vì cách tập hợp dữ liệu thống kê thủ công như trước đây.
“Như vậy kho dữ liệu này là mỏ vàng có thể khai thác bất cứ lúc nào chỉ bằng vài cú nhấp chuột của cán bộ thống kê” - ĐB Cường nói và cho rằng nếu làm được vậy thì dữ liệu thống kê được cập nhật nhanh, chính xác, bao quát nhiều lĩnh vực chứ không dừng lại 222 chỉ tiêu (gồm 20 nhóm) như trong Danh mục chỉ tiêu quốc gia thống kê đã nêu.
Chung quan điểm này, ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng việc sửa luật theo hướng quy định năm năm đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước một lần là không hợp lý.
“Hiện công nghệ số đã áp vào nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với những số liệu dân cư, số liệu doanh nghiệp… thường xuyên được cập nhật. Như vậy cách thống kê thủ công đã trở lên lạc hậu. Do đó việc rà soát năm năm tổng hợp, báo cáo thống kê một lần không phù hợp” - ông nói và đề nghị đại diện Chính phủ giải trình.
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của ĐB, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói: “Chúng tôi cũng ý thức, cố gắng để triệt để sử dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng hiệu quả thống kê”.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê lần này tập trung vào quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Cùng với đó, sẽ thay Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này. Theo đó danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới gồm 222 chỉ tiêu tập trung vào 20 nhóm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/du-lieu-so-la-mo-vang-co-the-khai-thac-bat-ky-luc-nao-1023865.html