Dự án GIC đem lại lợi ích thiết thực cho hợp tác xã

Dự án Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh (GIC), giai đoạn 2021 - 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân trồng lúa, đặc biệt là đối với các hợp tác xã (HTX) chuyên canh cây lúa. Bởi Dự án GIC đã hỗ trợ cho HTX về kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí đầu tư mùa vụ, tăng lợi nhuận sau thu hoạch; kỹ thuật xử lý rơm rạ và các trang thiết bị trong quá trình canh tác lúa. Nhờ đó, giúp cho thành viên tham gia HTX nâng cao được năng lực trong quá trình canh tác lúa và có thêm các kỹ thuật trong việc quản lý rơm rạ sau thu hoạch, giảm phát thải khí nhà kính khi tham gia thực hiện Đề án 'Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030'.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Dự án GIC tại tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ hàng trăm cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên HTX, hướng dẫn các HTX về quản trị, điều hành kinh doanh và tiếp thị thị trường nhằm quảng bá các sản phẩm được làm ra tại HTX đến người tiêu dùng biết nhiều hơn. Tính riêng trong năm 2024, Dự án GIC đã tổ chức 16 lớp tập huấn với 425 lượt cán bộ quản lý HTX tại địa phương, thành viên chủ chốt HTX; tổ chức 110 lớp tập huấn về đánh giá việc kinh doanh bền vững, cơ hội và quản lý rủi ro trong sản xuất lúa, cách tiếp cận với các dịch vụ tài chính tốt, tăng thu nhập khi sản xuất lúa có chất lượng, lợi ích của sản xuất lúa có chứng nhận... với 2.950 lượt người tham dự; tổ chức 10 lớp tập huấn "lớp học kinh doanh nâng cao cho nông dân", có 290 lượt người tham dự; tổ chức 80 lớp tập huấn về hướng dẫn người sản xuất sử dụng giống xác nhận để giảm giống, giảm phân, giảm thuốc, giảm nước, giảm thất thoát, giảm phát thải khí nhà kính, theo dõi đồng ruộng rút nước sau gieo sạ, theo dõi sâu bệnh hại trên ruộng lúa, cách xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa để giảm phát thải khí nhà kính; hướng dẫn HTX về quy trình canh tác hữu cơ...

Dự án GIC tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ cho các HTX chuyên canh lúa sản xuất ra những sản phẩm gạo đạt chất lượng. Ảnh: THÚY LIỄU

Dự án GIC tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ cho các HTX chuyên canh lúa sản xuất ra những sản phẩm gạo đạt chất lượng. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Nguyễn Văn Út - Giám đốc HTX Nông nghiệp Vinh Lợi, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) chia sẻ, trong năm 2024, Dự án GIC đã hỗ trợ cho HTX về kỹ thuật ủ rơm rạ làm phân hữu cơ, máy trộn phân hữu cơ và thiết kế bao bì chứa phân hữu cơ sau thành phẩm. Trước đây, khi chưa có Dự án GIC hỗ trợ, rơm rạ sau thu hoạch không được sử dụng nên hầu hết sẽ đốt bỏ, việc đốt này thải ra lượng khí CO2, ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, khi Dự án GIC hỗ trợ, HTX đã biết cách ủ rơm rạ làm phân bón nên số phân sau ủ được dùng trên đồng ruộng, giảm chi phí đầu tư và nâng cao chất lượng hạt lúa, gạo sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm gạo khi bán ra thị trường, giúp tăng lợi nhuận cho thành viên tham gia HTX.

Bên cạnh đó, Dự án GIC còn tổ chức xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật canh tác lúa bền vững, nhằm tạo điều kiện và cơ hội cho thành viên HTX có nơi học tập, chia sẻ kinh nghiệm và ứng dụng các kỹ thuật canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Theo đó, đã thực hiện 6 mô hình ở 6 HTX của 4 huyện/thị xã, với diện tích 30ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ sạ giảm giống bằng thiết bị sạ hàng, máy sạ cụm, hỗ trợ giống hoa để ứng dụng công nghệ sinh thái vào đồng ruộng, hỗ trợ nấm xanh trong phòng ngừa sâu, rầy và hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ theo dõi mô hình. Qua mô hình trình diễn chi phí sản xuất là 17,4 triệu đồng/ha, còn ngoài mô hình gần 21 triệu đồng/ha, theo tính toán thì chi phí mô hình trình diễn thấp hơn so với bên ngoài hơn 3,5 triệu đồng/ha. Chi phí giảm nhờ giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, góp phần rất lớn trong việc giảm lượng khí phát thải khí nhà kính, do giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Đồng chí Trần Hoàng Dũng - Phó Giám đốc Dự án GIC tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong thời gian tới, Dự án GIC sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân và HTX canh tác lúa về kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị và thúc đẩy sản xuất lúa an toàn bền vững; hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp tham gia vào các hội chợ thương mại quốc tế, các cuộc triển lãm để ký kết các hợp đồng và dịch vụ. Tập huấn nâng cao nhận thức cho người bán lẻ, người tiêu dùng về các lợi ích của việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và bền vững; tư vấn, hỗ trợ chính sách để nhân rộng áp dụng sản xuất lúa đổi mới sáng tạo. Phổ biến chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp và lương thực, góp phần phát triển nông thôn bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202505/du-an-gic-dem-lai-loi-ich-thiet-thuc-cho-hop-tac-xa-abf17e4/