Triển vọng từ các dự án khoa học, công nghệ
HNN - Dù còn ngồi trên ghế giảng đường nhưng nhiều sinh viên đã có những ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bằng những dự án (DA) khoa học, công nghệ tiềm năng và triển vọng.

Khoa KT&CN - ĐHH chuyển giao công nghệ cho các trường THPT
Triển vọng của các dự án
PGS.TS. Ngô Xuân Cường, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ (KT&CN) - Đại học Huế (ĐHH) cùng các cộng sự, sinh viên thực hiện đề tài “Hệ thống tự động định hướng mặt trời kết hợp làm mát cho tấm pin quang điện”. Về tiềm năng, hệ thống điện mặt trời này hòa lưới quy mô nhỏ mang lại hiệu quả cao ở các khu vực đô thị do không chiếm nhiều diện tích đất, giảm hóa đơn tiền điện hàng tháng, chống nóng cho tòa nhà, tạo thu nhập cho các hộ gia đình và giảm chi phí truyền tải và phân phối.
Đề tài này tập trung nghiên cứu hệ thống tự động định hướng mặt trời kết hợp làm mát cho tấm pin quang điện, trong đó bộ làm mát hoạt động bằng cách phun nước lên bề mặt phía trước của các tấm quang điện và hệ thống tự động định hướng mặt trời đơn trục. Đề tài cũng tập trung phát triển mô hình toán học đơn giản và thực nghiệm hệ thống đề xuất cho phép các tấm pin quang điện hấp thụ năng lượng mặt trời luôn vuông góc với hướng ánh sáng và có nhiệt độ phù hợp, từ đó đạt công suất tối đa.
Dựa trên mô hình toán học và dữ liệu thời tiết năm 2020, hiệu suất cải thiện năng lượng hàng năm của tấm quang điện sử dụng hệ thống đề xuất được cải thiện rõ rệt, lần lượt là 16,35%, 13,03% và 3,68% so với tấm quang điện sử dụng hệ thống nghiêng cố định, hệ thống làm mát và hệ thống định hướng tương ứng. Từ đó, hệ thống đề xuất chứng minh được khả năng tăng sản lượng cho các hệ thống điện mặt trời hòa lưới đã lắp đặt, giảm thời gian thu hồi vốn đầu tư, tiết kiệm không gian lắp đặt hệ thống, góp phần không nhỏ vào việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. “Đề tài này là một nghiên cứu điển hình về công bố các kết quả phân tích, đánh giá toàn diện hệ thống điện mặt trời hòa lưới dưới tác động của cơ chế ưu đãi FiT2 tại thành phố Huế”, PGS.TS. Ngô Xuân Cường khẳng định.
Đề tài "Hệ thống đèn chiếu sáng thông minh" cũng có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn. Đề tài này do Lê Quang Nhật Minh, sinh viên ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo - Khoa KT&CN - ĐHH cùng các cộng sự triển khai. Theo Minh, các mô hình thành phố thông minh đang được thúc đẩy trên toàn thế giới, trong đó, hiện đại hóa hệ thống chiếu sáng, tiết kiệm điện và chi phí vận hành là những vấn đề cần giải quyết.
Trong nghiên cứu này, nhóm đề tài của Minh thiết kế một hệ thống chiếu sáng thông minh, hoạt động tự động dựa trên lưu lượng người được tính toán, ứng dụng công nghệ IoT và sử dụng ESP8266 làm vi điều khiển chính. Trong việc tính toán lưu lượng người, YOLOR - một sản phẩm thị giác máy tính được sử dụng để phân tích và xử lý hình ảnh do camera ghi lại. Lưu lượng người sau khi được tính toán là tín hiệu điều khiển để vận hành mô hình ánh sáng và sử dụng năng lượng hợp lý một cách tự động. Mô hình đề xuất đã được thử nghiệm ở các cường độ ánh sáng khác nhau và mang lại hiệu quả bước đầu.
Với dự án nghiên cứu "Phần mềm quản lý cơ sở vật chất ở Khoa KT&CN - ĐHH", nhóm sinh viên Nguyễn Danh Nam - ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo - Khoa KT&CN - ĐHH đã thực hiện thành công đề tài có ý nghĩa quan trọng trong việc theo dõi, phân bổ, bảo trì các vật tư, thiết bị của khoa. Các chức năng chính của phần mềm gồm có quản lý danh mục tài sản, thiết bị, theo dõi lịch sử mượn - trả và tình trạng hiện tại, phân quyền người dùng và thống kê - báo cáo nhanh chóng, trực quan.
Nền tảng cho mọi hoạt động đào tạo
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch, Trưởng khoa KT&CN - ĐHH, là đơn vị đào tạo các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ phục vụ công nghiệp 4.0, Khoa KT&CN, ĐHH xác định phát triển khoa học, công nghệ là nền tảng cho mọi hoạt động của nhà trường. Chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu trong thực hiện quản trị đại học và điều hành hoạt động của đơn vị đào tạo. Thời gian qua, Khoa KT&CN - ĐHH từng bước đạt được nhiều thành quả trong nghiên cứu phát triển công nghệ, từ những nghiên cứu cơ sở đến các nghiên cứu cấp bộ đã và đang gắn với giải quyết các vấn đề thực tế từ công nghiệp sản xuất.
Trong đó, xây dựng các nghiên cứu liên ngành giữa các nhóm ngành mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn gắn với các lĩnh vực như điện, năng lượng tái tạo, công nghệ xây dựng và tự động hóa. Bên cạnh các nghiên cứu của các giảng viên, Khoa tập trung đầu tư cho nhiều DA sinh viên. Từ những ý tưởng sơ khai, Khoa cử cán bộ giảng viên hướng dẫn phát triển thành các DA, từng bước hỗ trợ nghiên cứu phát triển các giải pháp, các ứng dụng phục vụ sản xuất.
"Chúng tôi thường giải quyết bài toán từ “tư duy ngược”, tức ý tưởng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn khi các thầy cô, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp để phát triển thành các đề tài nghiên cứu. Thông qua đó, sinh viên và học viên được học tập từ những DA thực tế và được đào tạo cả những kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề. Nhiều DA của sinh viên được đại diện cho ĐHH trong lĩnh vực khoa học, công nghệ tham dự các giải thưởng về khoa học, công nghệ, các cuộc khi khởi nghiệp dành cho sinh viên và đã để lại ấn tượng cũng như có các thành tích nhất định, như: giải Ba toàn quốc, giải Nhất của ĐHH và giải Tiềm năng trong cuộc thi khởi nghiệp vừa qua", PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch chia sẻ.