Đồng bộ giải pháp phòng chống đuối nước

Mùa nắng nóng cũng là cao điểm diễn ra tình trạng đuối nước, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh.

Vẫn còn tình trạng người dân chưa quan tâm phòng chống đuối nước cho trẻ em. Ảnh: Thành Thật

Vẫn còn tình trạng người dân chưa quan tâm phòng chống đuối nước cho trẻ em. Ảnh: Thành Thật

Theo cán bộ quản lý và các chuyên gia, cần có giải pháp đồng bộ trong phòng chống đuối nước, đặc biệt là nâng cao ý thức cộng đồng.

Ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ):

Nâng cao nhận thức và kiến thức

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguy cơ đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với học sinh. Xác định tính chất quan trọng và sự cần thiết trong phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ đuối nước, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ thường xuyên quan tâm đến công tác phổ cập bơi.

“Cần mở các lớp tập huấn hướng dẫn viên dạy bơi, cứu đuối để nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật giảng dạy, phương pháp cứu đuối, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Trong đó tập trung bồi dưỡng lực lượng giáo viên thể dục, Tổng phụ trách Đội các trường tiểu học, THCS đáp ứng yêu cầu giảng dạy bơi lội, kỹ năng cứu đuối”. Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ)

Hiện tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi 6 - 15 được trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước, biết bơi và được cấp giấy chứng nhận phổ cập bơi đạt 55,83%. TP Cần Thơ có 11 trường tiểu học có bể bơi (tỷ lệ 6,59%); các bể bơi tư nhân, dịch vụ trên địa bàn là 47. Nhiều trường học đã phối hợp hoặc tổ chức cho học sinh đến những bể bơi này để tập bơi.

Hằng năm, sở GD&ĐT phối hợp với Thành đoàn, sở VH-TT&DL và sở LĐ-TB&XH tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí trong hè cho trẻ em và học sinh trên địa bàn nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ phổ cập bơi, phòng, chống đuối nước.

Sở GD&ĐT còn phối hợp với sở VH-TT&DL thành lập đoàn kiểm tra công tác triển khai phổ cập bơi, phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại các quận, huyện.

Qua kiểm tra, đoàn đã chỉ đạo, tư vấn việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện phổ cập bơi; phòng, chống đuối nước cho trẻ trên địa bàn; hướng dẫn lọc nước trong hồ bơi, bể bơi, có kế hoạch đầu tư, vận động trang bị bể bơi cho các trường, địa phương chưa có bể bơi.

Đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên phụ trách công tác giảng dạy bơi được trang bị đầy đủ các kỹ năng dạy bơi, cứu đuối. Thành phố hiện có 302 huấn luyện viên; 290 hướng dẫn viên, cộng tác viên, giáo viên thể dục tham gia công tác giảng dạy.

Bên cạnh đó, công tác phổ cập bơi cho học sinh còn nhiều khó khăn, hạn chế như tỷ lệ huy động phổ cập bơi cho trẻ 6 đến 15 tuổi chưa cao. Số trẻ 6 - 7 tuổi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ra lớp học phổ cập bơi còn ít… Nguyên nhân do một số phụ huynh chưa nhận thức tốt, thiếu quan tâm đến công tác phổ cập bơi và cho con tham gia phổ cập bơi.

Học sinh độ tuổi 6 - 7 còn nhút nhát, ngại tiếp xúc với nước, chưa mạnh dạn xuống hồ để tập nên việc học bơi bị gián đoạn hoặc không tiếp tục tham gia phổ cập. Kinh phí đầu tư hồ bơi quá cao và kinh phí để duy trì hoạt động hằng tháng khó khăn. Học phí bơi không ít nên phụ huynh hạn chế cho học sinh tham gia phổ cập bơi bởi hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn…

Về giải pháp, trước hết cần tập trung công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội.

Tổ chức các hoạt động, phong trào học bơi, kết hợp giải bơi phổ cập, hội thi cứu đuối; các buổi sinh hoạt, tọa đàm, hội thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Sớm xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền, chuyên môn về các kỹ thuật bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước, để các em dễ dàng tiếp thu trong thời gian ngắn.

Đặc biệt là công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể như sở VH-TT&DL, sở LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Y tế, công an, quân sự… tổ chức tuyên truyền về phòng, chống đuối nước. Vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát, trông coi, quản lý trẻ để phòng tránh tai nạn đuối nước, nhất là trong đợt hè, mùa mưa bão.

Cần quản lý và khai thác sử dụng tốt cơ sở vật chất thể thao hiện có, các bể bơi đầu tư mới; kịp thời gia cố, sửa chữa các bể bơi đã xuống cấp tránh lãng phí tài sản Nhà nước cũng như tư nhân đã đầu tư.

Tăng cường công tác xã hội hóa dưới nhiều hình thức; thí điểm kêu gọi đầu tư các hồ bơi cố định theo cụm, khu vực đạt quy mô và chất lượng, kèm theo chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định, tạo điều kiện phổ cập bơi lâu dài, bền vững (ưu tiên chọn các khu vực gần trường học, đông dân cư).

Địa phương cần có chính sách miễn, giảm thuế cho nhà đầu tư trong thời gian phối hợp thực hiện nhiệm vụ phổ cập bơi. Hỗ trợ quỹ đất dành cho tư nhân đầu tư xây dựng những công trình hồ bơi quy mô lớn, chất lượng theo quy định pháp luật.

Thầy Nguyễn Hồng Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị (TP Cần Thơ):

Đưa vào nội dung giáo dục bắt buộc

Trường nằm ở địa bàn sông nước nên quan tâm công tác phòng, chống đuối nước cho học sinh. Ban giám hiệu thường xuyên cho học trò tham gia các hoạt động phòng, chống đuối nước, đóng góp ý tưởng, thông điệp liên quan đến tình hình tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.

Để thực hiện phòng, chống đuối nước trong học sinh, cần tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng về phòng, chống đuối nước; đầu tư xây dựng hồ bơi trong trường học; tổ chức nhiều hơn nữa các lớp phổ cập, “xóa mù bơi” cho trẻ em, đặc biệt là học sinh.

Cần nghiên cứu đưa nội dung bơi thành chuyên đề bắt buộc của chương trình giáo dục thể chất hoặc môn năng khiếu trong nhà trường; có khuyến khích, hỗ trợ ưu đãi học phí, dụng cụ, trang thiết bị bơi đối với trẻ em, học sinh tham gia các lớp học bơi.

Đồng thời, địa phương, cơ quan chuyên môn xây dựng quy định, cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích xã hội hóa đầu tư cơ sở trang thiết bị dạy bơi, hồ bơi trong các trường học.

Tổ chức hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức xã hội, cộng đồng và gia đình về phòng, chống đuối nước trẻ em thông qua phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp hộ gia đình, lồng ghép vào trong cuộc họp tổ, nhóm của đoàn thể, buổi sinh hoạt dưới cờ trong trường học, trước kỳ nghỉ hè...

Trên thực tế, việc triển khai dạy bơi cho trẻ em, học sinh còn gặp nhiều khó khăn và chỉ mình ngành Giáo dục thì không thể đảm đương nổi. Vì thế rất cần sự phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, đoàn thể ở địa phương (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh…) chỉ đạo, quản lý, tạo sân chơi lành mạnh, an toàn, tổ chức các lớp học bơi, kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước cho học sinh trong dịp hè.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian ở nhà, nghỉ học, nghỉ hè để đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước...

Anh Phạm Quốc Huy trong giờ dạy bơi. Ảnh: Quách Mến

Anh Phạm Quốc Huy trong giờ dạy bơi. Ảnh: Quách Mến

Anh Phạm Quốc Huy - Huấn luyện viên bơi Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và thể thao TP Cà Mau (Cà Mau):

Cần thêm kỹ năng thoát đuối nước

Là vùng sông nước, có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, nguy cơ đuối nước cao, vì thế nhu cầu học bơi của trẻ em trên địa bàn tỉnh Cà Mau khá lớn, đặc biệt tại TP Cà Mau. Các bậc phụ huynh thường tạo điều kiện cho con học bơi để khi về quê, đi du lịch vùng sông nước tránh được nguy cơ đuối nước.

Các huấn luyện viên địa phương thường xuyên được trường tiểu học (có đầu tư hồ bơi) hoặc điểm hồ bơi tư nhân hợp đồng dạy bơi cho trẻ. Trong dạy bơi, chủ yếu dạy các em kỹ năng bơi ếch, bơi trườn sấp (bơi tự do) và phòng chống đuối nước.

Đây là những kỹ năng cơ bản để hỗ trợ trong trường hợp các em lỡ rơi xuống sông, hồ thì có thể bơi vào bờ. Đối với việc học bơi, nhanh hay chậm tùy thuộc vào khả năng từng em; với những em dạn nước sẽ học rất nhanh (có thể trong một tuần); còn em nào tâm lý sợ nước thì tập lâu và cần phải kiên trì hướng dẫn hơn.

Nhiều phụ huynh quan tâm, đặt câu hỏi: Đối với những em không biết bơi, nếu chẳng may rơi xuống nước, cần làm gì để thoát nạn. Trong trường hợp này, về cơ bản các em khi rơi xuống nước cần nín hơi, nguyên lý khi nín hơi cơ thể mình sẽ nổi lên, lúc đó mình cứ đạp chân, tay vào bờ. Nếu các em khi bị rơi xuống nước không thể tự bơi vào bờ, thì người trên bờ cần bình tĩnh hỗ trợ đúng cách.

Trường hợp người đứng trên bờ là học sinh (bạn cùng trang lứa với người đuối nước), trước tiên cần quan sát xung quanh xem có vật dụng nào dài, nếu có thì đưa ra cho người bị đuối với lấy để kéo vào bờ.

Trường hợp không có vật dụng dài thì cần hô to, chạy ngay tìm người lớn hỗ trợ; không nên nhảy xuống nước cứu bạn dù biết bơi, vì đối với người đuối nước theo phản xạ tự nhiên là hoảng loạn; các em cùng trọng lượng cơ thể với nhau sẽ khó có thể xử lý đưa người bị đuối vào bờ, vô tình cùng bị đuối nước.

“Nếu trường hợp xảy ra đuối nước ở chỗ vắng, xa nhà, phải khẩn cấp cứu bạn, các em cần bình tĩnh không nên nóng vội nhảy xuống nước cứu liền mà tốt nhất nên đợi người đuối nước kiệt sức, khả năng cựa quậy yếu lúc đó mới nhảy xuống dìu vào bờ.

Tốt nhất, khi đi đến những vùng sông nước, các em nên đi thành nhóm để có thể giúp đỡ trong trường hợp chẳng may bị đuối nước và biết cách hỗ trợ để cứu người, vừa đảm bảo an toàn cho người bị đuối nước và bản thân”. Anh Phạm Quốc Huy - Huấn luyện viên bơi Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và thể thao TP Cà Mau (Cà Mau)

Quốc Ngữ - Quách Mến - Thành Thật (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dong-bo-giai-phap-phong-chong-duoi-nuoc-post684671.html