Đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, Neák Tà (còn gọi là ông Tà) là vị thần bảo hộ của cộng đồng phum sóc. Do đó, định kỳ hàng năm vào thời điểm giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa đồng bào Khmer ở Trà Vinh sẽ tổ chức lễ hội Đom Lơng Neák Tà mong cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cuộc sống luôn bình an, sung túc.

Đồng bào Khmer ở ấp Truôn tổ chức nghi lễ cúng Neák Tà.

Đồng bào Khmer ở ấp Truôn tổ chức nghi lễ cúng Neák Tà.

Nhận thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của lễ hội trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer, ngày 22/02/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định đưa Lễ hội Đom Lơng Neák Tà của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thông tin Lễ hội Đom Lơng Neák Tà được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nói chung và ở xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành nói riêng rất tự hào và tổ chức mừng tại nơi thờ Neák Tà.

Ông Thạch Rê, ấp Truôn, xã Hòa Lợi cho biết: mấy ngày nay, gia đình ông và bà con ở phum sóc lại thêm rộn ràng, phấn khởi tổ chức ăn mừng cho sự kiện đặc biệt này.

Hiện nay, nơi thờ Neák Tà ở tỉnh Trà Vinh có nhiều dạng, như: Neák Tà Som Rôn (cây trôm), Neák Tà Đơm Prìk (cây trâm), Neák Tà Đơm Chrey (cây da), Neák Tà Kô Ki (cây sao), Neák Tà Bần Nai (cây duối)... và khá nhiều Neák Tà Mchás Srok (Neák Tà chủ xóm) như: Tà Miês ở Trà Cuôn, Tà Ớt ở Kim Câu, Tà Năng ở Năng Nơn (xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang)… các Neák Tà Wạt được thờ trong khuôn viên một số chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh.

Mỗi phum sóc sẽ chọn ngày để tổ chức Lễ hội Đom Lơng Neák Tà riêng, nhưng thường chọn các ngày trong tháng 3, 4, 5 âm lịch. Đây là thời điểm, tiết trời đang chuyển dần từ mùa khô sang mùa mưa, nhà nông chuyển từ mùa nông nhàn sang mùa gieo cấy. Trước đó, Lễ hội thường kéo dài trong nhiều ngày, nhưng hiện nay, đa phần được tổ chức trong hai ngày. Nơi tổ chức lễ hội thường là nơi thờ Neák Tà hoặc dưới bóng cây cổ thụ và xem như lễ hội chung của phum sóc mình.

Ông Thạch Sa Mươne, ấp Truôn, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành cho biết: ở ấp Truôn, bà con chọn ngày 12 và 13/5 (âm lịch) hàng năm để tổ chức Lễ hội Đom Lơng Neák Tà. Trước ngày tổ chức, Tổ phụ trách nghi lễ sẽ cử 02 gia đình đại diện cho ấp đến từng hộ gia đình quyên góp tiền, gạo dùng mua sắm các vật dụng cần thiết chuẩn bị cho ngày hành lễ.

Ngày đầu tiên, khoảng 15 giờ chiều, bà con trong ấp tập trung tại nơi thờ Neák Tà chuẩn bị các món như: đầu heo nấu chín, heo quay, gà luộc và các vật phẩm khác để thực hiện nghi thức cúng bái Neák Tà. Sau phần nghi thức, bà con ở Phum sóc và chính quyền địa phương sẽ dùng chung buổi cơm thân mật. Buổi tối, tổ chức thỉnh chư Tăng đến tụng kinh cầu an, sau đó bà con bắt đầu múa hát giao lưu văn nghệ, tạo không khí vui tươi, ấm áp.

Ngày thứ 2 thực hiện nghi lễ, mỗi hộ chuẩn bị thức ăn cúng dường chư Tăng và mang đến nơi thờ Neák Tà để cùng tổ chức nghi lễ cúng bái chung. Đến buổi chiều sẽ thỉnh chư Tăng tổ chức diễu hành tượng Phật đi đến từng hộ gia đình để tụng kinh cầu an. Tham gia cùng đoàn diễu hành còn có Đội múa trống Chhay-dăm, múa Chằng, múa khỉ… để tạo sinh khí vui tươi, rộn ràng những ngày hành lễ.

Mỗi khi ở ấp tổ chức Lễ hội Đom Lơng Neák Tà, mặc dù bận rộn với cuộc sống mưu sinh nhưng bà Thạch Thị Sa Khone (ấp Truôn, xã Hòa Lợi) đều dành thời gian chuẩn bị thật chu đáo những vật phẩm cần thiết. Với lòng thành kính, bà cố gắng góp sức để nghi lễ được thực hiện đúng phong tục và trang trọng nhất.

Bà Sa Khone (thứ hai bên phải) đang truyền nghề trang trí Bài sây cho bà con trong ấp.

Bà Sa Khone (thứ hai bên phải) đang truyền nghề trang trí Bài sây cho bà con trong ấp.

Bà Sa Khone cho biết: Thường thì gia đình tôi chuẩn hoa quả, cây chuối, lá chuối… để trang trí thành mâm Bai Sây cúng Neák Tà. Vì mâm Bài Sây là một trong những vật phẩm không thể thiếu trong lúc tổ chức nghi lễ. Tôi học được cách trang trí Bài Sây từ ông bà xưa để lại. Giờ mỗi khi ở ấp tổ chức lễ Đom Lơng Neák Tà tôi chỉ dẫn lại cho con cháu, để không bị thất truyền.

Còn với chị Lý Thị Tha, ngụ cùng ấp thì những ngày tổ chức Đom Lơng Neák Tà, chị lại bận rộn với khâu hậu cần. Chị Tha cho biết: Ngoài việc chuẩn bị mâm cơm cúng bái Neák Tà tại nhà, tôi tranh thủ tham gia nấu nướng tại nơi thờ Neák Tà dành cúng dường Chư tăng và phụ trách tiếp đãi khách mời ở địa phương.

Chị Lý Thị Tha chuẩn bị mâm cơm mang đến nơi thờ Neák Tà để cúng bái.

Chị Lý Thị Tha chuẩn bị mâm cơm mang đến nơi thờ Neák Tà để cúng bái.

Ông Kim Thanh Giàu, Trưởng Ban nhân dân ấp Truôn, xã Hòa Lợi cho biết: Neák Tà là vị thần có tuổi cao, bảo hộ cho Phum sóc, gia đình nên đồng bào Khmer rất tôn kính. Những ngày hành lễ, bà con Phum sóc tập trung rất đông tại nơi thờ Neák Tà. Ngoài tổ chức các nghi lễ theo phong tục truyền thống, bà con Khmer còn tổ chức thêm Lễ hồi hướng đến những người có công xây dựng Phum sóc. Đó là việc làm thể hiện tính nhân văn sâu sắc, nhắc nhở con cháu đời sau không được quên ơn tổ tiên mình.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có hơn 240 miếu thờ Neák Tà, trong đó, huyện Trà Cú nhiều nhất với 64 miếu. Ông Lý Sine, Người có uy tín ở ấp Chợ Trên, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú cho biết: Lễ hội Đom Lơng Neák Tà của bà con Khmer ở ấp Chợ Trên được duy trì tổ chức hàng năm. Số tiền và vật phẩm tổ chức nghi lễ được bà con ở ấp tự nguyện quyên góp nên thể hiện tinh thần đoàn kết cao. Ngày nay, khi cuộc sống của bà con ngày càng sung túc thì những vật phẩm để cúng bái cho Neák Tà cũng phong phú hơn. Đặc biệt, trong phần tổ chức phần lễ, ngoài Bài Sây, vật phẩm cúng bái không thể thiếu đó là đầu heo được nấu chín.

Như vậy, đến nay tỉnh Trà Vinh hiện có 07 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, 04 di sản là nghệ thuật và lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, gồm: Nghệ thuật Chầm riêng chà pây, Nghệ thuật Rô-băm, Lễ hội Ok Om Bok, Lễ hội Đom Lơng Neák Tà. 03 Di sản phi vật thể quốc gia còn lại là Lễ hội Vu lan Thắng hội của đồng bào dân tộc Hoa tại huyện Cầu Kè; Lễ hội Cúng biển Mỹ Long, ở thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Đom Lơng Neák Tà của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh, mà còn là cơ hội góp phần phát triển, quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của Trà Vinh gắn với những phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào Khmer đến du khách gần xa.

Bài, ảnh: SỐC KHA - SÂM BÁT

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/dong-bao-khmer-tinh-tra-vinh-bao-ton-va-phat-huy-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-36146.html