Đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm mới có gì đáng lưu ý?

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa mới ban hành Quyết định về đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm ban hành theo quy định tại Quyết định số 1442/QĐ-LĐTBXH ngày 27/9/2023 áp dụng đối với các Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật thực hiện hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được phân thành 7 nhóm để áp dụng đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ảnh: TTXVN

Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được phân thành 7 nhóm để áp dụng đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ảnh: TTXVN

Đối tượng sử dụng dịch vụ là người lao động thuộc đối tượng được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm. Cụ thể, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc, mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được phân thành 7 nhóm để áp dụng đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Nhóm 1 chỉ có TP.Hồ Chí Minh. Nhóm 2 có 7 tỉnh, thành phố là: Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng. Nhóm 3 có 12 tỉnh gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Long An, Phú Thọ, Tây Ninh, Thanh Hóa, Tiền Giang, Vĩnh Phúc.

Nhóm 4 có 17 địa phương, gồm: An Giang, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế. Nhóm 5 có 11 địa phương, gồm: Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Thuận, Gia Lai, Hậu Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Bình, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long. Nhóm 6 có 8 tỉnh, gồm: Hòa Bình, Kon Tum, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Thuận, Quảng Trị, Sơn La, Tuyên Quang. Nhóm 7 có 7 tỉnh, gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Đắk Nông, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái.

Theo Quyết định số 1442/QĐ-LĐTBXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giao Cục Việc làm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đơn giá tư vấn, giới thiệu việc làm theo quyết định này. Đồng thời, chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan trình Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định thay đổi về đơn giá khi có thay đổi về công nghệ, mức lương cơ sở, đơn giá lao động hoặc các yếu tố làm định mức và đơn giá không còn phù hợp thực tiễn.

Hàng năm, trước ngày 15/1, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo tình hình thực hiện đơn giá tư vấn, giới thiệu việc làm năm trước gửi về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (qua Cục Việc làm). Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh đề nghị phản ánh về Bộ Lao động. Thương binh và Xã hội (qua Cục Việc làm) để xem xét, giải quyết.

Hiện cả nước có 63 Trung tâm Dịch vụ việc làm do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh đang thực hiện xây dựng các phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021.

Việc hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp đang được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước và sẽ dần chuyển đổi sang bảo đảm từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để chính sách bảo hiểm thất nghiệp triển khai có hiệu quả và phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Chi phí tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp lấy từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, không lấy từ ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần nội dung cải cách đã được đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ VII của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách bảo hiểm xã hội.

Theo Luật Việc làm hiện hành, mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau: Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng. Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Nguồn hình thành Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Các khoản đóng và hỗ trợ theo quy định như đã nêu trên, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ, nguồn thu hợp pháp khác. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng với 7 mục đích. Đó là: Chi trả trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.

Quyết định số 1442/QĐ-LĐTBXH xem tại đây

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/don-gia-dich-vu-tu-van-gioi-thieu-viec-lam-moi-co-gi-dang-luu-y-276789.html