Đòi hỏi quyết tâm cao

Đến nay, đã có 1.448/1.818 thủ tục hành chính (đạt 81%) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan thành phố Hà Nội có thể thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4. Đây là thành công lớn của thành phố Hà Nội sau nhiều năm gắn liền cải cách hành chính với ứng dụng các tiện ích của công nghệ thông tin và lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.

Nhận định chung cho thấy, việc xây dựng chính quyền điện tử đã ngày càng phổ cập, giúp rút ngắn thời gian các giao dịch hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ; tăng sự giám sát của người dân đối với hệ thống cơ quan công quyền, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực… Những đổi mới này được người dân và doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá ngày càng cao qua "thước đo" sự hài lòng cũng như việc tăng dần các chỉ số đánh giá xếp hạng về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh... của thành phố.

Thời gian tới, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 (công nghệ số hóa, trí tuệ nhân tạo...) sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng chính quyền điện tử của thành phố Hà Nội.

Nền tảng công nghệ và kinh phí thực hiện có thể giải quyết được, nhưng nội dung không kém phần quan trọng là việc xây dựng được một thế hệ “công dân điện tử” đang là “nút thắt” đáng lưu ý hiện nay.

Thực tế cho thấy, để người dân sử dụng các tiện ích do chính quyền điện tử, cụ thể là các dịch vụ công trực tuyến mang lại phụ thuộc nhiều yếu tố như tính sẵn sàng, dễ sử dụng, sự minh bạch của hệ thống... Và quan trọng nhất là làm thế nào để người dân thấy tiện dụng hơn việc phải mang hồ sơ đến bộ phận “một cửa” của các sở, ngành, UBND các cấp...

Để thúc đẩy người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, cần triển khai nhiều giải pháp. Trước hết, phải chuẩn hóa thủ tục, chuẩn hóa hệ thống để mọi người dễ sử dụng, gồm cả việc thanh toán trực tuyến, gửi hồ sơ đăng ký và nhận kết quả từ xa một cách thuận lợi. Việc này cần thực hiện triệt để, tránh tình trạng người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhưng vẫn phải đến bộ phận “một cửa” UBND các cấp, sở, ngành để trực tiếp thực hiện một công đoạn nào đó.

Cùng với đó, cần hướng đến số hóa các hồ sơ tài liệu thay vì sử dụng hồ sơ giấy và nên nghiên cứu để xem xét giảm lệ phí thực hiện các dịch vụ; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ này. Khi thấy thuận tiện, chắc chắn người dân sẽ tham gia sử dụng nhiều hơn các dịch vụ công trực tuyến.

Kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử của nhiều đô thị lớn trên thế giới cho thấy, vấn đề kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin là đặc biệt quan trọng. Việc này giúp các cơ quan công quyền trao đổi và sử dụng thông tin đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ công; người dân, doanh nghiệp không phải khai lại thông tin, giảm số lần đến cơ quan nhà nước, qua đó dịch vụ được sử dụng thuận tiện hơn. Làm tốt việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu cũng nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và điều hành trong nội bộ, giúp hỗ trợ các quyết định dựa trên việc sử dụng thông tin đầy đủ và nhất quán.

Để việc xây dựng chính quyền điện tử đạt hiệu quả cao và bền vững, song song với đổi mới tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, còn có một công việc rất quan trọng là tạo cho được mối liên hệ hai chiều gắn kết với người dân và doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền phải tiếp tục được tăng cường hơn nữa để mọi kết quả, sự đổi mới của chính quyền điện tử đều được người dân nắm bắt nhanh nhất và tham gia hưởng ứng mạnh mẽ nhất. Đây là một quá trình lâu dài, bền bỉ và đòi hỏi quyết tâm cao. Song tin tưởng rằng, với những mục tiêu tích cực nhiều mặt, việc xây dựng chính quyền điện tử tại Hà Nội sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đón nhận của người dân và doanh nghiệp.

Đan Nhiễm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/958863/doi-hoi-quyet-tam-cao