Doanh nghiệp cần tăng 'sức đề kháng' với phòng vệ thương mại

Trong bối cảnh các nước gia tăng áp dụng các biện pháp vệ phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước, doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị kiến thức để ứng phó.

Rủi ro kiện phòng vệ thương mại ngày càng lớn

Từ đầu năm đến nay, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu của cả nước đang hồi phục nhanh, với mức tăng trưởng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn khi nhiều quốc gia tăng cường áp dụng các biện pháp vệ phòng vệ thương mại, nhất là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU... gây áp lực lên hàng xuất khẩu trong nước thời gian tới.

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đã cảnh báo tới doanh nghiệp trong nước về việc Chính phủ Indonesia đã có những tuyên bố cam kết bảo vệ ngành dệt may nước này, cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các nhóm hàng khác như: Hàng điện tử, giày dép, gạch ốp lát và mỹ phẩm.

Sẽ có ít nhất có 2 biện pháp được áp dụng là áp thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ. Các mức thuế tự vệ có thể từ mức 100 - 200% và các biện pháp phòng vệ sẽ sớm được ban hành.

Nhiều ngành hàng của Việt Nam đối mặt với nguy cơ phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN

Nhiều ngành hàng của Việt Nam đối mặt với nguy cơ phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN

Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Indonesia, với kim ngạch bình quân khoảng 100 triệu USD/năm, chiếm khoảng 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên 56 triệu USD giày dép sang Indonesia, chỉ xếp sau 1 số mặt hàng như gạo, hóa chất, hàng dệt may…

Việc Indonesia dự kiến áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có khả năng ảnh hưởng lớn tới các sản phẩm giày dép của Việt Nam, đặc biệt khi nước này sử dụng biện pháp tự vệ thương mại toàn cầu. Tác động dễ thấy và tiêu cực nhất là sản phẩm giày dép của Việt Nam bị “đội giá” so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, kéo dài sẽ dẫn tới giảm lợi thế cạnh tranh, mất thị phần.

Hay Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã ban hành kết luận sơ bộ về vụ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Ai Cập, Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá tạm dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức thấp nhất (từ 6,1 - 38,9%) so với các doanh nghiệp Trung Quốc (50,9 - 71,1%) và Ai Cập (49,7 - 99,8%) bị CBSA điều tra lần này.

Trong tháng 5/2024, Cục Phòng vệ thương mại nhận được thông tin từ Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (Cơ quan điều tra Hàn Quốc) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (từ ngày 30/5/2024). Cơ quan điều tra Hàn Quốc đã đề nghị các bên liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu và hướng dẫn về việc cung cấp thông tin, thời hạn cung cấp thông tin.

Theo số liệu 3 năm gần đây của Bộ Công Thương, số lượng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang tăng nhanh. Tính đến hết tháng 12/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại. Riêng năm 2021 có 8 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng; năm 2022 là 226 vụ việc điều tra và 17 vụ việc mới; năm 2023 là 242 vụ và 15 vụ việc mới, 6 tháng đầu năm 2024 có 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ.

Các vụ kiện này không chỉ diễn ra với hàng hóa có thể mạnh xuất khẩu, mà với cả các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp. Việc này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành sản xuất, xuất khẩu và gián tiếp đặt ra các gánh nặng về kinh tế xã hội.

Tăng sức “đề kháng” cho doanh nghiệp

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), sau khi Việt Nam ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại (FTA), hàng hóa vào các thị trường nội khối được ưu đãi thuế quan, hàng xuất khẩu bị điều tra phòng vệ thương mại gia tăng mạnh. Các thị trường lớn đều gia tăng điều tra, áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thời gian tới, Việt Nam vẫn tiếp tục tận dụng hiệu quả lợi thế từ các FTA để mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa, việc đối diện với các vụ kiện phòng vệ dày đặc hơn là tất yếu.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, nhận thức của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực phòng vệ thương mại hạn chế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, để ứng phó với các vụ điều tra, khiến kiện tại các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức, am hiểu về luật pháp của nước sở tại.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như tác động tiêu cực các vụ việc gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các cơ quan quản lý cần phải tập trung vào ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, tránh bị rơi vào hệ lụy của xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế, sử dụng hợp lý, hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp trong khuôn khổ WTO và các FTA mà Việt Nam đang và sẽ là thành viên, để vừa gia tăng xuất khẩu, vừa bảo vệ các ngành sản xuất và việc làm trong nước, giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Ngoài ra, để tham gia vào sân chơi chung của thế giới, với những điều khoản rõ ràng, ngày càng khắc khe, không còn cách nào khác, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần tương hỗ nhau tạo dựng doanh nghiệp mạnh, nhằm kiến tạo lợi thế quốc gia và bảo vệ hiệu quả lợi ích cộng đồng doanh nghiệp.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-can-tang-suc-de-khang-voi-phong-ve-thuong-mai-20240718154619506.htm