Doanh nghiệp bảo hiểm nỗ lực vượt khó

Những tháng đầu năm 2023 thị trường bảo hiểm gặp nhiều khó khăn và thách thức, doanh thu phí mới sụt giảm, lùm xùm xung quanh kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng… Đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, khó khăn vẫn chưa qua đi và các doanh nghiệp đang nỗ lực cùng nhau vượt khó.

Mua bảo hiểm trực tuyến giúp khách hàng chủ động tìm hiểu và lựa chọn sản phẩm phù hợp. Ảnh: Chi Linh

Mua bảo hiểm trực tuyến giúp khách hàng chủ động tìm hiểu và lựa chọn sản phẩm phù hợp. Ảnh: Chi Linh

Doanh thu khai thác mới giảm mạnh

Theo số liệu của cơ quan quản lý về bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 75.338 tỷ đồng, tăng 1,12% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.289 tỷ đồng, tăng 2,55% so với cùng kỳ năm trước, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 52.049 tỷ đồng, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo số liệu của cơ quan quản lý về bảo hiểm, 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả tới khách hàng ước đạt 23.521 tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã chi trả khoảng 7.417 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả quyền lợi cho khách hàng khoảng 16.104 tỷ đồng.

Quy mô tổng tài sản của thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay ước đạt 849.411 tỷ đồng, tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 118.871 tỷ đồng (chiếm 14%), các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 730.540 tỷ đồng (chiếm 86% toàn thị trường).

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 708.373 tỷ đồng, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đầu tư trở lại 65.557 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 642.816 tỷ đồng. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đến nay ước đạt 552.325 tỷ đồng, tăng 12,71% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy, doanh thu phí bảo hiểm mới sụt giảm một phần do khó khăn kinh tế sau dịch, mặt khác, những thông tin nhiễu loạn, lùm xùm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ kéo dài thời gian qua khiến người dân hoang mang và mất niềm tin vào bảo hiểm.

Nỗ lực vượt khó

Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đang khẩn trương rà soát tổng thể các quy trình nghiệp vụ như: quy trình đào tạo đại lý, quy trình khai thác, thẩm định hợp đồng và giải quyết quyền lợi bảo hiểm, đảm bảo việc triển khai thực hiện theo đúng quy trình và quy định pháp luật. Đồng thời, giải đáp, xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm, giúp khách hàng yên tâm duy trì hợp đồng bảo hiểm.

Một số doanh nghiệp cũng đang rà soát lại các sản phẩm bảo hiểm, đơn giản hóa quy tắc, điều khoản, tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Đại diện Bảo hiểm BIC cho biết, công ty sẽ tập trung vào các giải pháp như: tiếp tục hoàn thiện và mở rộng mạng lưới kinh doanh, thành lập thêm một số công ty thành viên mới tại các địa bàn trọng điểm; nâng cao chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án chuyển đổi số; nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, con người và các sản phẩm phù hợp với xu hướng công nghệ, số hóa.

Đại diện Bảo hiểm VNI cũng cho biết, công ty sẽ có chính sách điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tế, đồng thời phát triển thêm sản phẩm bảo hiểm mới và các kênh bán hàng trên nền tảng số.

Còn theo đại diện FWD, công ty đang triển khai chương trình “Khôi phục hợp đồng - Lái xe sang về nhà” nhằm khuyến khích khách hàng khôi phục hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực. Đây là một trong những hoạt động được Bảo hiểm FWD thực hiện nhằm giúp khách hàng khôi phục hợp đồng, giảm thiểu các thiệt hại đáng tiếc. Từ đó, khách hàng có thể tiếp tục duy trì các quyền lợi bảo vệ, tích lũy dài hạn theo hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp này cũng đang đầu tư và cố gắng trong việc nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm đầu vào cũng như các chương trình chăm sóc hậu mãi để đảm bảo khách hàng được tư vấn đúng nhu cầu, đồng thời, khách hàng cũng sẽ nhận được những trải nghiệm về bảo hiểm tích cực trong suốt quá trình tham gia.

Một tên tuổi hàng đầu trên thị trường bảo hiểm nhân thọ chia sẻ, công ty đang nỗ lực kiểm soát chặt kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, đồng thời đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để kích cầu kênh đại lý và các kênh bán hàng khác, đặc biệt là bán bảo hiểm qua các app nhằm giúp khách hàng chủ động tìm hiểu và lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Với những nỗ lực thay đổi từ quy trình hoạt động tới sản phẩm, dịch vụ, đại diện doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

Giám sát chặt việc thực hiện hợp đồng của các đại lý bảo hiểm

Đại diện cơ quan quản lý về bảo hiểm cho biết đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm để tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương của thị trường. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đảm bảo đại lý cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho khách hàng; nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm nếu vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.

Hồng Chi

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-bao-hiem-no-luc-vuot-kho-130135-130135.html