ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH TUYÊN QUANG

Ngày 17/5, tại Tuyên Quang, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật về việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng đã làm việc với UBND tỉnh, các đơn vị, tổ chức liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu

Tham dự có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương; đại diện lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp, Hiệp hội công chứng Việt Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh...

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, thực hiện kế hoạch số 1553/KH-UBPL15 của Ủy ban Pháp luật về tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”, dự kiến sẽ được tổ chức sau Kỳ họp thứ Năm tới đây. Để chuẩn bị cho Phiên giải trình, Ủy ban pháp luật tổ chức các Đoàn khảo sát để làm việc với UBND của 7 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Tuyên Quang, để nắm bắt thông tin, số liệu từ cơ sở, địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, UBND tỉnh Tuyên Quang, các cơ quan chức năng báo cáo về hành nghề công chứng viên; tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng, trong đó chú ý báo cáo về việc giải thể phòng công chứng, thành lập các văn phòng công chứng; việc triển khai thực hiện Nghị quyết 172-NQ/CP; thực hiện công chứng các hợp đồng giao dịch phải công chứng hay có nhu cầu công chứng của các cá nhân, tổ chức; trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương phát biểu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương phát biểu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương nhấn mạnh, Tuyên Quang là tỉnh miền núi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn, trong đó có 55 đơn vị hành chính cấp xã được xác định là xã đặc biệt khó khăn. Dù vậy, trong năm 2022, trong điều kiện có nhiều khó khăn khi thực hiện phục hồi sau đại dịch Covid-19, Tuyên Quang đã cố gắng hoàn thành các mục tiêu đề ra, tăng trưởng đạt 8,86%. Hiện nay, tỉnh đang tập trung thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng (trong đó có cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang), quy hoạch phát triển đô thị, chuyển đổi số, phát triển du lịch, công nghiệp, thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị trở thành trung tâm về phát triển chế biến gỗ xuất khẩu; các chương trình mục tiêu quốc gia …

Về lĩnh vực công chứng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, nhu cầu công chứng của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh còn ít, ảnh hưởng đến sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên. Việc thành lập mới đơn vị hành nghề công chứng trực thuộc Sở Tư pháp ở các huyện còn khó khăn do hạn chế về nguồn công chứng viên, làm gia tăng biên chế viên chức, nguồn kinh phí chi thường xuyên còn khó khăn. Dù vậy, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã thực hiện kịp thời và có hiệu quả Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó đã ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn; đăng ký thành lập văn phòng công chứng thực hiện đúng quy định, bảo đảm sự phát triển.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nêu các vấn đề cần quan tâm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nêu các vấn đề cần quan tâm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn hiện có 6 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 1 phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp. Tuyên Quang có 4 đơn vị hành chính cấp huyện chưa có văn phòng công chứng. Về cơ bản, các công chứng viên tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, có trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân; chưa có trường hợp công chứng viên vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong việc cung cấp thông tin để xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về công chứng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sở Tư pháp cũng tích cực tham mưu giúp UBND tỉnh tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng. “Dù cơ sở dữ liệu đất đai chưa chuyển đổi nên cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường của tỉnh còn khó khăn trong cập nhật thường xuyên. Nhưng cơ quan tài nguyên và môi trường đã tích cực trao đổi với các tổ chức hoạt đông công chứng về giao dịch đất đai nên chưa phát sinh vướng mắc trong thực tế phối hợp thực hiện Luật Công chứng, các văn bản hướng dẫn thi hành”, Giám đốc Sở Tư pháp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám quan tâm đến chứng thực văn bản dịch

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám quan tâm đến chứng thực văn bản dịch

Trên địa bàn Tuyên Quang hiện đang nổi lên một vướng mắc trong tổ chức và hoạt động công chứng do tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn công chứng hợp đồng, giao dịch dân sự tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại phòng tư pháp hoặc UBND cấp xã. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, mức thu phí của văn phòng công chứng được tính theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch, trong khi phí chứng thực hợp đồng hiện chỉ ở mức 50 nghìn đồng/hợp đồng, giao dịch, nên các cá nhân, tổ chức có tâm lý lựa chọn chứng thực, dù giá trị pháp lý của chứng thực thấp hơn.

Các thành viên Đoàn khảo sát ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Tư pháp và các cơ quan hữu quan đối với việc triển khai thực hiện Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP. UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành 2 kế hoạch thực hiện, Sở Tư pháp ban hành trên 200 văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn thực thi các quy định pháp luật liên quan.

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh phát biểu

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh phát biểu

Đối với vấn đề nổi lên ở địa phương, các thành viên Đoàn giám sát cũng gợi mở, UBND tỉnh Tuyên Quang, các sở, ngành cần quan tâm thực hiện tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức về sự khác nhau giữa công chứng, chứng thực, đặc biệt là hệ quả pháp lý của hai hình thức này, để họ hiểu và lựa chọn hình thức phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế.

Các thành viên Đoàn khảo sát cũng trao đổi với UBND tỉnh, Sở Tư pháp, các sở ngành, cơ quan liên quan về mô hình hoạt động công chứng; các khó khăn, vướng mắc cụ thể; cơ sở dữ liệu về công chứng, kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu khác; phát triển nguồn công chứng viên; vướng mắc, khó khăn trong thực hiện công chứng bản dịch; sự phối hợp của các sở, ngành, cơ quan hữu quan trên địa bàn...

Giải trình, làm rõ các vấn đề Đoàn khảo sát đưa ra, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, nhưng UBND tỉnh đã quan tâm cấp kinh phí để Sở thuê phần mềm vận hành cơ sở dữ liệu về đất đai. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các sở, ngành khác đang nỗ lực để đưa toàn bộ dữ liệu của các xã trên địa bàn được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai vào cuối năm 2023, bảo đảm có thể kiểm tra, xác minh tình trạng của tài sản khi tiến hành công chứng.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang ghi nhận, UBND tỉnh Tuyên Quang và các sở ngành liên quan đã xây dựng báo cáo bám sát đề cương của Đoàn khảo sát. Đồng thời, đề nghị rà soát để để bóc tách số liệu về chứng thực tại UBND cấp xã và công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng; bổ sung kiến nghị cụ thể liên quan đến thực hiện công chứng những hợp đồng giao dịch bắt buộc công chứng; những khó khăn, vướng mắc trong phát triển đội ngũ công chứng viên…

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75927