Đoàn kết trên hai mặt trận

Kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi như thế nào đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay, trong bối cảnh các nền kinh tế đã sa sút nghiêm trọng vì tác động tiêu cực của dịch bệnh. Trong khi đó, giới phân tích liên tiếp đưa ra dự báo đen tối về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Bình luận quốc tế

Bức tranh kinh tế thế giới ngày càng tối mầu do sự lây lan của đại dịch Covid-19. Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm 3% trong năm nay kéo theo một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) R.A-dê-vê-đô nhận định, giao dịch thương mại toàn cầu năm nay có thể giảm từ 13 đến 32%.

Tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới, dịch Covid-19 đã tàn phá và để lại hậu quả nghiêm trọng. Giám đốc Cục Dự trữ liên bang (FED) chi nhánh New York (Mỹ) J.William cho biết, nền kinh tế Mỹ cần từ một đến hai năm hoặc nhiều hơn nữa để phục hồi. Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ có thể cần tới 500 tỷ USD/tháng để bảo đảm “sống sót qua dịch”. Tại Trung Quốc, theo Tổng cục Thống kê quốc gia, GDP trong quý I-2020 đã giảm 6,8% so cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của IMF, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm 2020. Bức tranh kinh tế châu Âu cũng đã xuất hiện một loạt khoảng tối chưa từng thấy khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng ở tất cả các nền kinh tế chủ chốt của châu lục. Tại Đức, nền kinh tế số một châu Âu, IMF dự báo tăng trưởng sẽ sụt giảm 7,5% trong năm 2020, trong đó khu vực tư nhân chịu ảnh hưởng lớn. Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank đánh giá nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng và khó có thể phục hồi nhanh chóng.

Những ngày qua, một loạt “liều thuốc” mạnh đã được “bơm” vào huyết mạch của các nền kinh tế thông qua một số gói kích cầu hạ lãi suất cho vay và kể cả phát tiền mặt cho người dân. Tại Mỹ, “Chương trình bảo đảm chi trả” trị giá 350 tỷ USD, được chính phủ đưa ra dưới hình thức cho các doanh nghiệp nhỏ vay. Dù Mỹ đang là điểm nóng nhất của dịch bệnh trên toàn cầu, nhưng Tổng thống Mỹ D.Trump khẳng định sẽ sớm mở cửa trở lại đất nước và cho biết, nước Mỹ sẽ vạch ra ba giai đoạn khôi phục kinh tế. Tại Trung Quốc, Tân Hoa xã cho biết, chính phủ sẽ triển khai các biện pháp như giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tái cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại châu Âu, Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên hiệp châu Âu (EU) P.Gentiloni cho biết, Nhóm Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng ơ-rô (Eurogroup) đã đưa ra các đề xuất cứu trợ trị giá hơn 500 tỷ ơ-rô để cung cấp tài chính cho lĩnh vực chăm sóc y tế và giúp các công ty vừa và nhỏ vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các giải pháp nêu trên vẫn chưa đủ kéo các nền kinh tế ra khỏi suy thoái và càng chưa thể là giải pháp tổng thể để giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại. Giám đốc IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định, các nước châu Á cần tận dụng mọi công cụ chính sách để ứng phó tình hình hiện nay; tập trung ngăn chặn tình trạng phá sản của các doanh nghiệp nhỏ cũng như tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Việc cung cấp tiền mặt trực tiếp cho người dân, như một phần trong gói cứu trợ của Mỹ, có thể không phải là chính sách tối ưu đối với nhiều nước châu Á nếu áp dụng. Các nền kinh tế mới nổi cũng cần tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các thể chế đa phương, sử dụng biện pháp kiểm soát nhằm đối phó với dòng vốn bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch.

Một trong những vấn đề mà giới phân tích và các chính phủ quan tâm nhất hiện nay là kinh tế thế giới sẽ phục hồi như thế nào sau đại dịch? “Kịch bản tăng trưởng” sẽ là bật dậy nhanh theo mô hình chữ “V”, hay trì trệ kéo dài theo mô hình chữ “L”? Câu hỏi này hiện chưa có đáp án, bởi vì triển vọng tăng trưởng phụ thuộc vào yếu tố quyết định là diễn biến của dịch bệnh. Nếu thế giới có thể nhanh chóng dập dịch, tìm ra vắc-xin chữa trị Covid-19, thì tăng trưởng kinh tế sẽ sớm trở lại; nếu không, tình trạng “hôn mê sâu” của nhiều nền kinh tế có thể kéo dài. Hiện tại, một số nền kinh tế đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại, nhưng thế giới vẫn đối mặt với một giai đoạn phong tỏa mới, nếu dịch bệnh không được kiểm soát chặt chẽ. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cứ mỗi tháng đóng cửa nền kinh tế, tăng trưởng GDP của các nước OECD sẽ sụt giảm 2%.

Biện pháp duy nhất giúp kinh tế toàn cầu phục hồi là các quốc gia đoàn kết chống đại dịch Covid-19 và cùng một chí hướng phối hợp phục hồi kinh tế. Khi nhân loại chưa thể thắng trên mặt trận chống dịch bệnh, thì có thể sẽ “thua” trên mặt trận phục hồi kinh tế và không một quốc gia nào có thể chiến thắng nếu “đi một mình” trong các cuộc chiến nêu trên.

NGUYÊN KHÔI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44194802-doan-ket-tren-hai-mat-tran.html