Định hướng chính sách ngành tôm

Đó là 1 trong 4 chủ đề hội thảo trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam năm 2023 (Vietshrimp 2023) do Hiệp hội Thủy sản Việt Nam phối hợp cùng Cục Thủy sản Việt Nam, UBND thành phố Cần Thơ và các đơn vị có liên quan tổ chức từ ngày 12 - 14/4/2023.

Sau lễ khai mạc, Vietshrimp 2023 bước vào các nội dung hội thảo chuyên đề, với sự tham gia của các diễn giả đến từ các viện, trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý chuyên ngành. Ngay trong phiên đầu tiên, với chủ đề: “Định hướng chính sách ngành tôm Việt Nam”, bên cạnh thông tin thực tế về những tiềm năng, vị thế cũng như khó khăn, thách thức của ngành tôm, các diễn giả còn thông tin đến hội thảo những vấn đề bức xúc cùng các đề xuất, kiến nghị nhằm duy trì sự phát triển hiệu quả và bền vững.

Tiến sĩ Trần Đình Luân (thứ 4 từ trái qua) - Cục trưởng Cục Thủy sản thăm gian hàng giới thiệu mô hình và giải pháp nuôi tôm công nghệ cao tại Vietshrimp 2023.

Dù ở góc độ là nhà khoa học, doanh nghiệp hay hiệp hội ngành hàng, các diễn giả cũng đều có chung nhận định là: tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam còn thấp, chi phí đầu vào cao, dịch bệnh vẫn còn bùng phát… dẫn đến giá thành tôm nuôi cao hơn 1 - 2 USD/kg so với 2 đối thủ chính là Ecuador và Ấn Độ, làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường. Do đó, theo các diễn giả, ngành tôm cần sớm thay đổi cách tiếp cận, kể cả về công tác giống, mô hình, quy trình nuôi… để gia tăng tỷ lệ nuôi thành công, giảm giá thành sản phẩm, nhằm giúp ngành tôm duy trì và phát huy hơn nữa vị thế trên thị trường thế giới.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, để ngành tôm có thể nâng sức cạnh tranh, cần phải nâng cao tỷ lệ nuôi thành công để giảm giá thành, đồng thời cần minh bạch chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Tiến sĩ Lộc đề xuất: “Bên cạnh việc phát triển các mô hình thâm canh, siêu thâm canh, chúng ta cũng cần cân nhắc nên chăng mở rộng các mô hình nuôi với mật độ vừa phải nhưng có tỷ lệ diện tích ao nuôi lớn nhằm giảm tải cho môi trường, hạn chế dịch bệnh phát sinh và thuận lợi cho việc nuôi theo chuẩn quốc tế như: ASC, BAP…”. Theo các diễn giả, trước mắt cần nâng cao chất lượng con giống, giúp chống chịu tốt với dịch bệnh và thích ứng môi trường từng vùng. Xây dựng các quy trình nuôi tôm tối ưu, giá thành thấp cho từng mô hình…

Thông tin thêm về thị trường tôm năm 2023, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, rất khó đưa ra dự đoán về kết quả xuất khẩu tôm do tác động từ lạm phát toàn cầu, nhu cầu thị trường giảm và cạnh tranh ngày càng cao. Cũng theo ông Hòe, tính đến hết quý I/2023, xuất khẩu tôm mang về 577 triệu USD, giảm 40%. Do đó, ông Hòe đề xuất: “Các doanh nghiệp cần tối ưu hóa chi phí sản xuất, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường. Cần quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm có tính đặc thù, sản phẩm giá trị gia tăng, chủ động thay đổi cơ cấu thị trường, sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc”.

Nhiều thiết bị, công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm được doanh nghiệp giới thiệu tại Vietshrimp 2023.

Liên quan đến giá thành tôm nuôi, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng: “Giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực chủ yếu là do tỷ lệ nuôi thành công ở Việt Nam chỉ mới đạt dưới 40%, trong khi tỷ lệ nuôi thành công tại nhiều nước ở mức từ 60 - 90% trở lên. Do vậy, chúng ta cần xem xét lại cách tiếp cận ngay từ khâu con giống cho đến mô hình, quy trình hay mật độ thả nuôi”. Theo đó, cần thúc đẩy chương trình gia hóa tôm bố mẹ để tạo ra nguồn giống chống chịu dịch bệnh, thích ứng với điều kiện các vùng nuôi, nhằm nâng cao tỷ lệ nuôi thành công và xây dựng quy trình nuôi hợp lý, tối ưu, giá thành thấp cho từng mô hình nuôi. Một vấn đề khác làm cho cơ hội bán hàng bị giảm đáng kể do thời gian thông quan kéo dài vì phải chờ lấy mẫu và kết quả kiểm tra kháng sinh, từ đó khả năng cạnh tranh của tôm bị giảm sút. Không những vậy, ngành tôm Việt Nam mỗi năm mất đến 10.000 tỷ đồng để kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến và cùng với đó là chi phí kiểm soát kháng sinh ở các nước nhập khẩu mà doanh nghiệp phải chịu và bị trừ vào giá bán.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu tôm trong năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng, cần có biện pháp quản lý, bình ổn giá cả vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm, tránh tình trạng tăng giá liên tục như hiện nay. Đồng thời, quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh để tình trạng tôm rớt giá, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Song hành với đó, ban hành cơ chế, chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ông Quang kiến nghị Chính phủ cần kiểm tra kháng sinh liên tục và thường xuyên ở vùng nuôi, để từng bước xóa bỏ thói quen dùng kháng sinh của người dân. Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ và xử lý thật mạnh tay với những trường hợp bán thuốc, hóa chất, chế phẩm vi sinh... có trộn kháng sinh.

Ngành tôm nước ta có tiềm năng và cơ hội đẩy mạnh sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản), các địa phương và các bên có liên quan cần quan tâm làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tập trung, phòng bệnh cho tôm và quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ và tổ chức sản xuất theo hướng liên kết sản xuất có chứng nhận chất lượng, an toàn và hạ giá thành để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Tích cực phối hợp, xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm.

Các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo còn đề xuất, các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho phát triển ngành tôm theo hướng hiệu quả, bền vững, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết, tối ưu chi phí…

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/dinh-huong-chinh-sach-nganh-tom-64619.html