Điều trị nghiện ma túy: Cần sự quyết tâm từ gia đình, cộng đồng và bản thân người nghiện

Ma túy là hiểm họa của mỗi gia đình, là nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm trộm cắp, cướp của giết người, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng. Tại Bình Thuận, công tác phòng, chống và kiểm soát sự lây lan của ma túy, trong đó điều trị nghiện ma túy được triển khai nghiêm túc, mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Song vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức...

Sở Y tế cho biết, hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã có cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định. Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đã sắp xếp đủ cán bộ làm công tác xác định tình trạng nghiện, đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực để phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, xét nghiệm các chất ma túy khi cần thiết. Tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh có 18 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy. Trong đó, 5 cơ sở tuyến tỉnh, 9 cơ sở tuyến huyện và 4 cơ sở tuyến xã. Giai đoạn 2018-2023, ngành y tế đã thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy cho 10.478 trường hợp. Trong đó, nghiện heroin 2.497 trường hợp (chiếm 23,8%), nghiện ma túy tổng hợp 6.658 trường hợp (chiếm 63,5%) và 1.323 trường hợp (chiếm 12,7%) vừa nghiện cả heroin cùng ma túy tổng hợp.

Nhân viên y tế khám, tư vấn cho bệnh nhân điều trị bằng methadone. (ảnh tư liệu)

Trước diễn biến phức tạp tệ nạn ma túy, số người nghiện liên tục gia tăng, tháng 4/2013, Bình Thuận bắt đầu triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã đưa vào hoạt động 5 cơ sở điều trị và 6 điểm cấp phát thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Để đảm bảo hiệu quả, Sở Y tế thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh việc điều trị và quản lý tốt các điểm hỗ trợ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone cho người nghiện ma túy. Phối hợp với lực lượng công an nắm chắc việc tuân thủ quá trình điều trị của người nghiện cũng như theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Nhờ đó, công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone liên tục được cải thiện, nâng cao hiệu quả qua từng năm, số lũy tích bệnh nhân điều trị methadone hàng năm đều vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Kết quả điều trị tích lũy đến tháng 12/2023 đạt 164,9% (1.886 bệnh nhân /1.144 chỉ tiêu).

Theo đánh giá của ngành y tế, đến thời điểm này điều trị nghiện bằng methadone vẫn là giải pháp can thiệp hiệu quả cho nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Qua triển khai, chương trình này đã khẳng định được tính ưu việt góp phần cải thiện sức khỏe người bệnh, giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình người bệnh và cộng đồng. Số bệnh nhân có các xung đột, mâu thuẫn trong gia đình giảm sau khi tham gia điều trị, các hành vi vi phạm pháp luật trong nhóm người bệnh tham gia điều trị giảm rõ rệt.

Hiệu quả tham gia điều trị methadone hiện hữu là vậy, tuy nhiên công tác điều trị nghiện vẫn chưa đạt hiệu quả ở một số trường hợp, điều này đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Trên thực tế, liệu trình điều trị kéo dài, phải uống thuốc hàng ngày vào một thời điểm quy định, một số người nghiện không dám tham gia uống methadone vì sợ sự phân biệt đối xử của cộng đồng. Một số bệnh nhân dùng cùng một lúc 2 chất gây nghiện là thuốc phiện và ma túy đá, gây khó khăn cho công tác điều trị vì methadone chỉ thay thế được thuốc phiện, không điều trị được ma túy đá. Công tác quản lý, tư vấn, hỗ trợ học nghề, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn cho người hoàn thành chương trình cai nghiện ở một số địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn, dẫn đến nguy cơ tái nghiện trong cộng đồng.

Để tăng số người nghiện ma túy được điều trị methadone, Sở Y tế khẳng định, cần sự quan tâm, phối hợp liên ngành với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục về lợi ích và ý nghĩa, hiệu quả của việc điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Bên cạnh, cơ sở điều trị cần phối hợp giữa điều trị bằng thuốc và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh, thiết lập được mối quan hệ trị liệu, có sự tin tưởng và chia sẻ từ phía người bệnh. Cộng đồng không nên kỳ thị, xa lánh người bệnh, nên đón nhận, quan tâm, giúp người bệnh tái hòa nhập xã hội. Gia đình phải lắng nghe người bệnh, khuyến khích người bệnh đi cai nghiện bằng methadone. Đặc biệt, người bệnh phải kiên trì, duy trì việc uống thuốc hàng ngày, tránh xa heroin và các chất gây nghiện khác, tuân thủ nội quy cơ sở điều trị và tư vấn của nhân viên y tế để đảm bảo hiệu quả điều trị, tạo thói quen sống lành mạnh như ăn uống điều độ, thường xuyên tập thể dục, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, xã hội tại địa phương, sớm tìm việc làm để ổn định cuộc sống…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dieu-tri-nghien-ma-tuy-can-su-quyet-tam-tu-gia-dinh-cong-dong-va-ban-than-nguoi-nghien-119096.html