Điều dưỡng - nghề làm dâu trăm họ

Nghề y luôn phải đối diện với nhiều tình huống khác nhau, sẵn sàng với những ca trực thức trắng đêm, theo sát diễn biến từng giây, từng phút của người bệnh. Thế nhưng, những người điều dưỡng vẫn đặc biệt hơn cả.

Nhân viên điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn). Ảnh: Đức Trân.

Đây là những người giao tiếp hàng ngày, gần gũi với người bệnh, sẵn sàng chia sẻ nỗi đau, sự lo lắng của người bệnh. Với đặc thù như vậy, có những lúc người điều dưỡng phải bỏ ngoài tai những điều tiếng không hay, nhẫn nại với những phản ứng tiêu cực của người bệnh khi bị cơn đau đớn lấn át, cũng như phải đối mặt với những nguy hiểm rủi ro trong công việc.

Đã có hơn 10 năm công tác tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108, điều dưỡng Nguyễn Thị Ngần - Khoa Ngoại Thần kinh, Viện Thần kinh đã không ít lần nhận được câu hỏi, tại sao lại chọn nghề điều dưỡng, một nghề làm dâu trăm họ. Chị chia sẻ: Khi còn bé, khi thấy hình ảnh những y bác sĩ trong màu áo trắng blouse, tôi đã nuôi nấng ước mơ có thể đi theo con đường lương y, hết mình vì sức khỏe mọi người, và tôi đã thật sự nỗ lực theo đuổi ước mơ của mình. Đến nay, mỗi khi nhận được câu hỏi ấy, tôi chỉ biết cười, bởi với tôi, lí do của sự lựa chọn này chính là tình yêu nghề, sự nhiệt huyết của bản thân muốn được đồng hành cùng đồng nghiệp và người bệnh… Nhưng với tâm huyết và tình yêu nghề, chúng tôi học được sự lắng nghe để bản thân không chỉ là người chăm sóc mà còn có thể trở thành người thấu hiểu, giúp người bệnh vượt qua những khó khăn trong quá trình điều trị.

“Tôi còn nhớ một lần chăm sóc bệnh nhân cao tuổi mổ sọ não. Khi hồi phục được ra viện, bệnh nhân đã nói với tôi: “Cảm ơn cháu đã chăm sóc bác giống như con gái chăm sóc bố mẹ già”. Tôi đã xúc động vô cùng với câu nói đó, bởi lẽ khi đồng hành cùng người bệnh, chúng tôi đã coi người bệnh như chính người thân của mình. Giờ đây, những vất vả như được xua tan, chỉ còn lại hạnh phúc khi nhìn bệnh nhân hồi phục và trở về với cuộc sống thường ngày. Tôi thật sự cảm thấy tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, luôn tận tâm trong công việc để xứng đáng với nghề” – chị Ngần kể.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, dịch vụ do người điều dưỡng, hộ sinh cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao vị thế nghề nghiệp, hình ảnh của người điều dưỡng, hộ sinh. Tuy nhiên, hiện tại công tác điều dưỡng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như nhiều nơi còn quan niệm cho rằng "nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh của bác sĩ". Nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng và năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Công tác chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế còn phụ thuộc nhiều vào người nhà bệnh nhân.

Ông Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết: “Thiên chức nghề nghiệp của điều dưỡng là trợ giúp người bệnh cả về thể chất và tinh thần. Bản chất của hoạt động khám, chữa bệnh là hợp tác giữa các ngành nghề liên quan. Hệ thống của bác sĩ đã có quá trình phát triển lâu dài, còn hệ thống của điều dưỡng mới bắt đầu phát triển. Nhiều quan niệm trước nay lấy bác sĩ làm trung tâm, bác sĩ là thầy – điều dưỡng là thợ, bác sĩ là người ra y lệnh – điều dưỡng là người thực hiện, lấy bác sĩ làm chuẩn để tính biên chế điều dưỡng hộ sinh... Những quan niệm này cần phải thẩm định lại tính khoa học và tính thực tế vì chỉ còn đúng một phần, dễ làm cho chúng ta mơ hồ về ngành điều dưỡng và vai trò của điều dưỡng trong hệ thống y tế”.

Ông Mục cũng cho biết: Từ góc độ hệ thống y tế, trước sự khủng hoảng thiếu điều dưỡng toàn cầu, nhân lực điều dưỡng trở nên khan hiếm trong dài hạn ở tất cả các quốc gia. Nước ta là một trong các quốc gia có tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân thuộc nhóm thấp nhất, mới bằng 1/8 các quốc gia phát triển so với mục tiêu phấn đấu đạt 25 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2025, đến nay mới đạt 60%. Thiếu điều dưỡng, người bệnh thiệt thòi. Vì vậy ngành điều dưỡng sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Để ghi nhận và tôn vinh giá trị nghề nghiệp cũng như những đóng góp quan trọng của người điều dưỡng, ngay từ năm 1965, Hội đồng Điều dưỡng quốc tế (ICN) đã chọn ngày 12/5 hàng năm là ngày "Quốc tế Điều dưỡng" kèm theo thông điệp cho mỗi năm để điều dưỡng của các quốc gia cùng hành động. Năm nay, ICN đưa ra thông điệp "Điều dưỡng của chúng ta, tương lai của chúng ta. Hiệu quả kinh tế của chăm sóc điều dưỡng".

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dieu-duong-nghe-lam-dau-tram-ho-10279648.html