Diễn đàn 'Liên kết phát triển sản xuất vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu'

Sáng 1/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức trực tuyến diễn đàn 'Liên kết phát triển sản xuất vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu'.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình

Cùng với điểm cầu tại Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Hà Nội), tham gia diễn đàn, còn có đại biểu, đại diện ngành nông nghiệp tại 5 điểm cầu ở các tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, có đại diện Chi cục Trồng trọt và BVTV; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Chi cục Phát triển nông thôn; Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao và Xúc tiến thương mại.

Cùng dự có đại diện Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện: Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư, thành phố Ninh Bình; một số doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp tiêu biểu.

Những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả nước ta có bước phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng, phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa và gia tăng xuất khẩu. Nhờ đó, cây ăn quả đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, làm giàu cho nông dân tại nhiều vùng địa phương trong cả nước. Năm 2020, diện tích cây ăn quả trên toàn quốc đạt 1,135 triệu ha, tổng sản lượng các loại ước đạt 12 triệu tấn.

Riêng các tỉnh phía Bắc có diện tích gần 441 nghìn ha, chiếm 38,8%. Hiện toàn vùng có 15 địa phương sản xuất cây ăn quả lớn. Trong đó, tỉnh Sơn La với hơn 60 nghìn ha là địa phương có tốc độ tăng trưởng cây ăn quả nhanh, có quy mô diện tích đứng đầu tại phía Bắc (đồng thời là tỉnh sản xuất cây ăn quả có vị trí thứ 3 trong cả nước, chỉ sau 2 tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai)...

Tuy nhiên, để cây ăn quả tiếp tục phát triển, đạt hiệu quả cao, bền vững trong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể là rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa tập trung. Tổ chức xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc, trong đó chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn.

Căn cứ vào định hướng phát triển chung, mỗi tỉnh, thành phố chọn một số chủng loại cây ăn quả chủ lực, xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, đáp ứng yêu cầu cụ thể của mỗi thị trường xuất khẩu, cơ sở nhà máy chế biến và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn.

Đặc biệt, đối với một số cây ăn quả phát triển nóng trong thời gian qua, có nguy cơ rủi ro giá cả, tiêu thụ (cây có múi cam, bưởi,...), cần tăng cường khuyến cáo nông dân không gia tăng diện tích khi chưa có hợp đồng, đầu ra và tín hiệu tích cực từ thị trường; chủ đầu tư trồng mới ở những vùng có điều kiện đất đai phù hợp, có kỹ thuật và khả năng đầu tư thâm canh; rà soát chuyển đổi sang cây trồng khác tại các vùng không phù hợp…

Tỉnh Ninh Bình, hiện có 6.500 ha cây ăn quả, trong đó cây dứa gần 3.100 ha, cây chuối 1.150 ha, cây na 630 ha, cây nhãn 480 ha, cây vải 350 ha… chủ yếu được trồng ở thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan và Gia Viễn.

Để mở rộng các chuỗi cung ứng, liên kết tiêu thụ sản phẩm, Ninh Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tăng cường kêu gọi, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Theo đó, Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, như tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị, tổ chức sản xuất cho các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất; tập huấn chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; xây dựng nhiều mô hình sản xuất một số loại rau, đậu, củ quả xuất khẩu…

Hằng năm tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm từ cấp tỉnh, huyện, xã, ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, các cấp, ngành ở Ninh Bình tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đủ đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, xây dựng sản phẩm OCOP, tạo thương hiệu, nhãn hiệu, đủ hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân vững bước cạnh tranh.

Minh Đường - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dien-dan-lien-ket-phat-trien-san-xuat-vung-nguyen-lieu-phuc/d20211201140838829.htm