Điện Biên: Gỡ khó, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, đến hết năm 2022, toàn tỉnh Điện Biên có 56 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao.

Góp phần tăng trưởng kinh tế

Trong thời gian qua, Chương trình OCOP được xác định là một trong những nhiệm vụ chỉ đạo trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới và đã được các địa phương trên cả nước triển khai thực hiện.

Thống kê của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, đến nay toàn quốc có 8.565 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, 65,4% sản phẩm 3 sao; 33,4% sản phẩm 4 sao; 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Đã có gần 4.400 chủ thể OCOP; trong đó, 38,3% là hợp tác xã, 25,8% là doanh nghiệp, 33% là cơ sở sản xuất, kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 56 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao.

Gạo Điện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, bí Tìa Dình... đã trở thành những sản phẩm OCOP tiêu biểu của

Thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại các địa phương trong tỉnh Điện Biên đã đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng vào kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế ở mỗi địa phương.

Hiện đa số các sản phẩm OCOP phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có và phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: gạo Điện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, bí Tìa Dình... do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Một số sản phẩm đã phát triển với quy mô lớn, đang từng bước khẳng định giá trị, chất lượng và thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và ngày càng sử dụng nhiều hơn.

Tại huyện vùng cao Tủa Chùa có ba sản phẩm, gồm: trà xanh shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, bạch trà shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa và trà xanh shan tuyết Sính Phình do Công ty TNHH một thành viên Hương Linh sản xuất đã được công nhận sản phẩm OCOP.

Trước khi được công nhận sản phẩm OCOP, vùng chè shan tuyết cổ thụ ở các xã phía bắc huyện Tủa Chùa là Sín Chải và Tả Phìn đều trong tình trạng ế ẩm triền miên khiến người trồng chè nơi đây chán nản, chặt bỏ dần loại cây từng có thời gắn bó với họ như máu thịt. Nhưng kể từ khi Công ty TNHH MTV Hương Linh liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm chè búp tươi để chế biến thì vùng chè Tủa Chùa “đã sống lại”.

Bà con dân tộc H’Mông ở các xã: Sính Phình, Tả Phìn, Sín Chải càng thêm gắn bó hơn với cây chè, bởi nhờ cây chè cuộc sống người dân đã đổi thay. Đánh giá chung về sản lượng, hiệu quả kinh tế mà các sản phẩm chè được công nhận OCOP đem lại, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa Vũ Thị Ngọc Ánh cho biết: Sản lượng chè búp tươi do Công ty TNHH một thành viên Hương Linh thu mua hằng năm đều tăng 20%; diện tích vùng nguyên liệu cũng không ngừng mở rộng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục nghìn hộ dân vùng cao Tủa Chùa.

Các sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, người dân tin tưởng lựa chọn, sử dụng. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững, xây dựng vùng nguyên liệu, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ chưa được các chủ thể chú trọng thực hiện.

Việc phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều sản phẩm OCOP mang tính thời vụ, chưa qua chế biến nên thời gian bảo quản, tiêu thụ ngắn, khó mở rộng được thị trường tiêu thụ; Mẫu mã, nhãn mác bao bì sản phẩm còn đơn sơ chưa hấp dẫn được người tiêu dùng.

Cùng với đó, đa số các chủ thể chưa chủ động xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; mẫu mã, nhãn mác bao bì sản phẩm chưa hoàn thiện; chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm; thiếu chủ động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng…

Đưa các sản phẩm OCOP phát triển bền vững

Để kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP bền vững, theo ông Vũ Hồng Sơn – Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên, tỉnh đã có các văn bản hướng dẫn, yêu cầu các huyện, thị, thành phố hỗ trợ các chủ thể xây dựng dự án (hỗ trợ về mở rộng sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, nhãn mác của sản phẩm…) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ triển khai, hỗ trợ. Cân đối nguồn kinh phí địa phương, lồng ghép từ các chương trình, dự án và nguồn xã hội hóa để triển khai hỗ trợ thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển các sản phẩm OCOP bền vững phù hợp với địa phương.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung xây dựng thành công các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ gắn với phát triển du lịch của tỉnh.

Đặc biệt, đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được tỉnh phê duyệt với mục tiêu tổng quát đưa đề án mỗi xã một sản phẩm trở thành chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh; góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định…

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung xây dựng thành công các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ gắn với phát triển du lịch của tỉnh, nhất là du lịch ẩm thực các dân tộc, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa; giai đoạn 2026 - 2030, Chương trình tập trung vào phát triển sản phẩm mới, giám sát và tôn vinh các tổ chức OCOP, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và điều hành chương trình…

Nhằm thực hiện đề án trên, năm 2023, Sở Công Thương Điện Biên cũng đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Cụ thể như tạo điều kiện để phát triển mở rộng mạng lưới kinh doanh thương mại theo quy mô hộ kinh doanh cá thể; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;

Đồng thời, tập trung tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm Ocop, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh của tỉnh như: Chè, cà phê, gạo Điện Biên, xi măng…. Đến với người tiêu dùng để tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại và thương mại điện tử quốc gia và địa phương năm 2023, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong tỉnh trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; Vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các chương trình Xúc tiến thương mại.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dien-bien-go-kho-tim-dau-ra-cho-san-pham-ocop-243768.html