Đề xuất quy định đặc thù bảo vệ quyền lợi của người lao động

Chính phủ đã có đề xuất bổ sung quy định đặc thù bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người tham gia BHXH.

Đề xuất của Chính phủ thể hiện tại Điều 41 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp thứ 7 (đợt 1, ngày 27/5), Quốc hội khóa XV. Dự kiến dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (đợt 2, ngày 25/6), Quốc hội khóa XV; có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.

Chính phủ đã có đề xuất bổ sung quy định đặc thù bảo vệ quyền lợi của người lao động khi bị chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Ảnh minh họa: Internet.

Chính phủ đã có đề xuất bổ sung quy định đặc thù bảo vệ quyền lợi của người lao động khi bị chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Ảnh minh họa: Internet.

Điều 41 quy định cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động. Khi đó, cơ quan BHXH xác nhận tạm thời thời gian đã đóng BHXH khi có yêu cầu của người lao động làm cơ sở thực hiện chế độ BHXH trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng mà tạm ngừng kinh doanh; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế; đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; đang làm thủ tục phá sản; đã phá sản; không có người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Khi người sử dụng lao động mà nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc thì cơ quan BHXH xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH làm cơ sở thực hiện chế độ BHXH cho người lao động.

Cơ quan BHXH giải quyết chế độ BHXH cho người lao động bị chậm đóng, trốn đóng BHXH thuộc trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng thì được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng theo thời gian đã được xác nhận.

Trường hợp tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng thì người lao đọng được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không bao gồm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số ngày, số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng hoặc hưởng BHXH một lần cho thời gian đã được xác nhận.

Trong trường hợp cơ quan BHXH thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH thì xác nhận bổ sung thời gian và điều chỉnh mức hưởng cho đối tượng đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng; hoàn trả cho người lao động, thân nhân của người lao động số tiền trước đây đã nộp cho cơ quan BHXH cho người lao động đã nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng. Và cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng cho người lao động đã hưởng BHXH một lần quy định.

Trường hợp người lao động cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng đã đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bHXH và không tự đóng theo quy định thì được lựa chọn hưởng lương hưu trên cơ sở tạm tính mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng BHXH thấp nhất bằng thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tại thời điểm đóng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người lao động đóng cho thời gian bị chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng nêu rõ: Chính phủ quy định chi tiết quy định cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động.

Chính phủ thấy rằng, việc bổ sung quy định đặc thù bảo vệ quyền lợi cho người lao động là cần thiết nhằm kịp thời giải quyết bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho họ do phá sản, ngừng hoạt động,...

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-quy-dinh-dac-thu-bao-ve-quyen-loi-cua-nguoi-lao-dong.html