Đề xuất kéo dài tuyến đường sắt cao tốc Sài Gòn - Cần Thơ đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Sài Gòn – Cần Thơ vừa được lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đề xuất sẽ kéo dài đến các địa phương trong vùng, nhằm kết nối thông suốt từ TP.HCM đi các tỉnh Miền Tây Nam Bộ và xuyên biên giới...

Các địa phương vùng ĐBSCL đề xuất sau khi hoàn thành dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Sài Gòn - Cần Thơ sẽ tiếp tục kéo dài đến cửa khẩu quốc tế để kết nối giao thương qua biên giới. Ảnh minh họa.

Các địa phương vùng ĐBSCL đề xuất sau khi hoàn thành dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Sài Gòn - Cần Thơ sẽ tiếp tục kéo dài đến cửa khẩu quốc tế để kết nối giao thương qua biên giới. Ảnh minh họa.

Đề xuất trên được nêu ra tại một hội nghị bàn về các dự án giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ phối hợp tổ chức mới đây.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ được đề cập đến tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, định hướng xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ nhằm tăng cường kết nối TP.HCM, trung tâm kinh tế cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP. Cần Thơ - trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, cũng là cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ.

Dự án được đề xuất nghiên cứu, xây dựng với vận tốc 190 km/h đối với hành khách và 120 km/h đối với tàu hàng hóa. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 9 tỷ USD (khoảng 213.948 tỷ đồng)... Khổ đường ray là khổ đôi 1.435 mm điện khí hóa. Dự án có tổng cộng 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe. Hành trình bắt đầu từ ga An Bình (tỉnh Bình Dương) đến ga Cần Thơ (TP. Cần Thơ), đi qua địa bàn 6 tỉnh và thành phố gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ với tổng chiều dài 174,42 km.

Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban quản lý Dự án đường sắt (Ban Đường sắt) tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Đồng thời các địa phương có tuyến đi qua cũng đóng góp ý kiến một số nội dung liên quan đến quy mô, hướng tuyến, diện tích nhà ga, quỹ đất mô hình TOD (TOD: Transit Oriented Development, là mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị - NV).

Dự án đã được tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BTL (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ). Tháng 02/2023, Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng đã có văn bản góp ý cho báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ đoạn qua địa bàn TP.HCM.

Theo Quyết định 1769/QĐ-TTg, mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Theo lộ trình này, đại diện Sở Giao thông vận tải An Giang đề xuất, sau khi tuyến đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ hoàn thành, cần xem xét triển khai đường sắt đoạn từ Cần Thơ đến An Giang nhằm phục vụ cho hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa giao thương qua biên giới Campuchia.

Tương đồng với quan điểm của tỉnh An Giang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho rằng, sau khi hoàn thành việc phát triển hệ thống cao tốc trong vùng, việc phát triển hệ thống đường sắt, đường thủy là rất quan trọng và cần thiết. Đồng thời, ông Dũng cũng cho biết là Cần Thơ mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự án để trước năm 2030 sẽ có tuyến đường sắt này.

Nhận định về đề xuất của tỉnh An Giang cũng như của nhiều địa phương khác, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng việc kéo dài và kết nối tuyến đường sắt đến cửa khẩu quốc tế là cần thiết và ông đề nghị Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ tổng hợp ý kiến của các tỉnh, gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM để đưa vào báo cáo chung, trình lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt.

Ngoài đề xuất kéo dài tuyến đường sắt cao tốc Sài Gòn – Cần Thơ, các tỉnh cũng đề xuất nghiên cứu, xúc tiến xây dựng tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL, dự kiến có chiều dài khoảng 428 km; tuyến hành lang đường thủy số 2 qua Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên với chiều dài khoảng 253 km; tuyến liên tỉnh số 1 kết nối TP.HCM - Cà Mau qua kênh xáng Xà No, chiều dài khoảng 341 km.

Xuân Nghi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-keo-dai-tuyen-duong-sat-cao-toc-sai-gon-can-tho-di-cac-tinh-dong-bang-song-cuu-long.htm