Để nông nghiệp Thủ đô phát triển xứng tầm

Sáng 13/4, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức tọa đàm đánh giá chính sách đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) đối với chính sách: 'Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh'.

Khai mạc tọa đàm, TS Nguyễn Ngọc Kỳ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phát triển nông nghiệp Việt Nam: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ phát biểu tại tọa đàm

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ phát biểu tại tọa đàm

Nghị quyết Đại hội lần XVII của Đảng bộ TP xác định: “Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”; Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội xác định: "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025"

Tuy nhiên, Luật Thủ đô 2012 chưa có quy định về chính sách nông nghiệp, nông thôn; Luật Đất đai còn nhiều hạn chế về tích tụ, tập trung đất đai; Luật Hợp tác xã còn có những bất cấp, chưa thuận lợi cho phát triển kinh tế tập thể.

Báo cáo khái quát nội dung chính sách và giải pháp cần thực hiện, đại diện Sở Tư pháp cho biết, mục tiêu của chính sách là phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của Thủ đô về nhân lực, khoa học công nghệ, vốn để đầu tư, phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, sản xuất giống cho cả nước; xây dựng nông thôn xanh, hiện đại, giàu bản sắc; xây dựng người nông dân văn minh, có kỹ năng, trình độ, là chủ thể xây dựng, thụ hưởng thành quả phát triển.

Các đại biểu tham luận tại tọa đàm

Các đại biểu tham luận tại tọa đàm

Theo đó, dự thảo đề xuất cơ chế đặc thù để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang các loại đất nông nghiệp khác, tích tụ, tập trung đất đai, huy động góp vốn bằng đất nông nghiệp vào các đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái (cho thuê đất qua ngân hàng đất đai hoặc ngân hàng quỹ đất, góp cổ phần bằng đất nông nghiệp). Hỗ trợ phát triển sản xuất giống cây trồng, sinh vật cảnh, thủy sản có giá trị cao, thích ứng với biến đổi khí hậu: Thành phố ban hành chính sách hỗ trợ nghiên cứu bảo vệ, phát triển, sản xuất các loại giống đặc sản bản địa; ban hành chính sách hỗ trợ nhập các loại giống gốc giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để hình thành cơ sở sản xuất giống cung cấp cho sản xuất của Thành phố cũng như cung cấp cho các tỉnh.

Thành phố được ban hành quy định khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, được xây dựng chính sách quy hoạch riêng về nông nghiệp (quy hoạch rừng, đất rừng, khai thác kinh tế rừng, trồng cây tập trung, cây phân tán về các đô thị và nông thôn. Quy hoạch cụ thể diện tích đất sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với từng loại cây con cụ thể); được phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch: thủy lợi, đê điều, phòng chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố; được quy định định mức kinh tế kỹ thuật để xây dựng quy hoạch, thực hiện quy hoạch.

Song song với đó, TP được quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ về: Đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật, vay vốn chuyển đổi nghề để phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ đô thị như: Sinh vật cảnh, phát triển giống, nghề truyền thống, dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao...; Chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội, tham gia tổ chức công đoàn.

Đại biểu tham luận tại tọa đàm

Đại biểu tham luận tại tọa đàm

TP được ban hành quy định trong lập quy hoạch, thực hiện quy hoạch xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn kiến trúc xây dựng, hạ tầng kỹ thuật nông thôn, điều chỉnh đất đai khu vực nông thôn nhằm phát triển nông thôn theo hướng nông thôn văn hóa - sinh thái gắn với bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa bản sắc, phát triển làng nghề, du lịch. Việc phát triển các thành phố, đô thị vệ tinh phải hài hòa, gắn kết với phát triển không gian cảnh quan, môi trường, đồng bộ hạ tầng, kết nối với các khu vực nông thôn phụ cận; đảm bảo đồng bộ với chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi nghề cho nông dân trong phạm vi ảnh hưởng của phát triển đô thị.

Phát biểu tại tọa đàm, đa số chuyên gia, nhà khoa học thống nhất với nội dung đề xuất chính sách. Các đại biểu đều thống nhất, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô phải khác so với các tỉnh, thành trong cả nước; cần làm rõ và bổ sung việc thực hiện chính sách này trong quan hệ hợp tác vùng. Phát triển nông nghiệp sinh thái cần được nhìn nhận toàn diện, đa chức năng, ngoài việc cung cấp lương thực, thực phẩm, còn có chức năng tạo hành lang xanh, cải thiện môi trường, giải quyết việc làm. Việc tích tụ đất đai chỉ là phương tiện, mục tiêu là sử dụng hiệu quả đất đai...

Kết thúc tọa đàm, Viện trưởng Nguyễn Ngọc Kỳ cảm ơn và đánh giá cao các tham luận, Viện sẽ tổng hợp các ý kiến, tiếp tục tổ chức tọa đàm để thu thập thêm những góp ý, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động chính sách đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) với chất lượng cao nhất.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-nong-nghiep-thu-do-phat-trien-xung-tam.html